Indonesia đang mở rộng hệ thống tàu điện ngầm của thủ đô Jakarta với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc làm đường sắt cao tốc cho Indonesia.
Nguồn: MRT Jakarta - Dữ liệu: BÌNH AN - Trình bày: T.ĐẠT
Khi thủ đô Jakarta của Indonesia bắt đầu vận hành tuyến tàu điện ngầm đầu tiên vào tháng 3-2019, nhiều người dân vô cùng tự hào.
"Cuối cùng thì Jakarta cũng có được tàu điện ngầm", Hãng tin Antara khi đó đã dẫn lời cư dân Jefri vui mừng chia sẻ. Sau 5 năm, giờ đây Indonesia tiếp tục mở rộng tuyến tàu điện ngầm này để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng.
Mở rộng hệ thống tàu điện ngầm
Thực tế cho thấy tuyến tàu điện ngầm đầu tiên nói trên vẫn chưa là đủ cho Jakarta. Theo báo Nikkei Asia, với hơn 10 triệu dân, Jakarta là một trong những thủ đô đông đúc nhất thế giới, hệ thống giao thông công cộng không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong thành phố, buộc nhiều người phải dùng xe cá nhân đi làm.
Để giải quyết tình trạng ô tô và xe máy gây tắc nghẽn đường phố, chính quyền Indonesia phải nhanh chóng mở rộng hệ thống tàu điện ngầm hiện có của Jakarta với sự hỗ trợ của Nhật Bản.
Về tổng thể, hệ thống tàu điện ngầm của Jakarta (Jakarta MRT) theo kế hoạch có 2 tuyến chính gồm: tuyến Bắc - Nam (đã xây xong một phần và đang hoạt động) và tuyến Đông - Tây (trong giai đoạn lên kế hoạch).
Tháng 3-2019, tuyến đầu tiên (Bắc - Nam) được đưa vào khai thác, bao gồm các đoạn đường ngầm và đường trên cao với 13 nhà ga, trong đó có 6 ga ngầm và 7 ga trên cao. Tuyến này chạy giữa phía bắc và phía nam vùng đô thị Jakarta, trải dài 15,7km từ ga Lebak Bulus đến ga Bundaran HI. Đây là giai đoạn 1 của dự án Jakarta MRT và hiện là tuyến duy nhất hoạt động trong hệ thống tàu điện ngầm Jakarta.
Giai đoạn 2 của dự án đang diễn ra nhằm mở rộng tuyến tàu hiện tại thêm 5,8km. Đoạn mở rộng này chạy giữa các ga Bundaran HI và Kota trên tuyến Bắc - Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.
Giai đoạn thứ 2 của dự án được chia thành 3 phần, do Công ty xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) giám sát một phần và Công ty Shimizu (Nhật Bản) phụ trách hai phần còn lại. Trong khi đó, Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) sẽ xử lý vấn đề kỹ thuật, mua sắm và lắp đặt thiết bị cho đoạn mở rộng.
Trung Quốc, Nhật Bản cạnh tranh công nghệ
Thủ đô Jakarta của Indonesia đã đưa vào vận hành tuyến tàu điện ngầm đầu tiên vào tháng 3-2019 - Ảnh: REUTERS
Việc mở rộng tuyến tàu điện ngầm trên được triển khai trong lúc Indonesia đối mặt với những tác động của việc dân số ngày càng tăng và kinh tế cũng phát triển nhanh chóng. Để giải quyết các vấn đề giao thông kinh niên, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã nỗ lực xây dựng hạ tầng giao thông.
Mới đây ông Widodo còn đề xuất đưa hệ thống tàu vận tải tự hành nhanh (ART) trở thành giải pháp thay thế mới cho các dịch vụ vận tải công cộng trong đô thị nhằm giảm tắc nghẽn ở Indonesia.
Năm ngoái, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Indonesia đã mở tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, kết nối khoảng 140km giữa Jakarta và thành phố Bandung.
Theo Đài CGTN, việc tuyến đường sắt cao tốc (HSR) đầu tiên của Indonesia đi vào hoạt động không chỉ đánh dấu thời điểm Indonesia bước vào kỷ nguyên HSR với hệ thống giao thông hiện đại, mà còn cho thấy Trung Quốc và Indonesia đã đạt được cột mốc quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI).
Trong khi đó, góp phần vào sự mở rộng hệ thống tàu điện ngầm của Indonesia là sự hỗ trợ của Nhật Bản. Hôm 13-5, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ cấp khoản vay lên tới 140,7 tỉ yen (900 triệu USD) để xây dựng tuyến tàu điện ngầm thứ 2 (tuyến Đông - Tây) ở Jakarta.
Tuyến tàu điện ngầm Đông - Tây này dài 84,1km, gồm 2 giai đoạn xây dựng chính. Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), giai đoạn đầu tiên - xây đoạn đường tàu dài 24,5km - sẽ bắt đầu vào cuối năm tới và dự kiến hoàn thành vào năm 2031. Tuyến mới sẽ được xây dựng bằng công nghệ Nhật Bản.
Ông Mototaka Morota, giám đốc dự án của Công ty Sumitomo Mitsui phụ trách dự án MRT Jakarta, nhấn mạnh Nhật Bản đang thúc đẩy công nghệ cao để phát triển cơ sở hạ tầng. Ông Morota nói: "Trung Quốc cũng có công nghệ xây dựng tàu điện ngầm, nhưng chúng tôi (Nhật Bản) chắc chắn không đi sau họ xét về chất lượng".
Thiệt hại hàng tỉ USD
Từ năm 2022 Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các thành phố của Indonesia khiến nước này thiệt hại ít nhất 5,6 tỉ USD mỗi năm, tương đương 0,5% GDP, do thời gian di chuyển lâu, tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính.
Người dân tại nhiều thành phố của Indonesia, đặc biệt người nghèo và những người phụ thuộc vào phương tiện giao thông công cộng, phải tốn nhiều thời gian hơn để di chuyển từ nhà đến nơi làm việc vì kẹt xe.
BÌNH AN - THANH BÌNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online