"Cho mượn" gấu trúc không chỉ là hình thức ngoại giao của Trung Quốc mà còn là cách tận dụng cơ sở chuyên môn ở các nước khác để bảo tồn loài này. Nhưng không phải ai cũng đồng tình.
Gấu trúc Fu Bao tại Hàn Quốc hồi tháng 3 - Ảnh: REUTERS
Nhiều năm qua, người ta đã nhắc về cái gọi là "ngoại giao gấu trúc" để chỉ việc Trung Quốc tận dụng "quyền lực mềm" từ loài động vật dễ thương này để quảng bá hình ảnh, thể hiện tinh thần bạn bè với các nước. Nhưng theo AP, bên chiến thắng lớn nhất trong động tác ngoại giao này chính là... gấu trúc.
Gấu trúc dễ thương, béo và mềm như bông. Chúng ngồi cả ngày và ăn tre, cho thấy Trung Quốc là một quốc gia dễ mến và mềm mại. Đây là cách thể hiện tốt nhất.Cựu đại sứ Mỹ Barbara K. Bodine
Chung tay vì gấu trúc
Trung Quốc đã hợp tác với các sở thú tại Mỹ và châu Âu để bảo tồn gấu trúc suốt nhiều thập niên. Việc này giúp số lượng gấu trúc ngoài tự nhiên hiện tăng lên mức 1.900 con, so với chỉ 1.100 con vào những năm 1980. Gấu trúc lớn hiện không còn được xem là loài "có nguy cơ" tuyệt chủng, nhưng được xếp loại ở mức độ "sắp nguy cấp".
"Chúng tôi hợp tác khoa học và nghiên cứu với vườn thú San Diego, sở thú ở Washington (Mỹ), cùng nhiều nước châu Âu khác. Họ có trình độ tiên tiến hơn ở các mảng thú y như thuốc, di truyền và tiêm chủng. Chúng tôi có thể học hỏi từ họ", ông Zhang Hemin, chuyên gia trưởng tại Trung tâm Bảo tồn và nghiên cứu gấu trúc lớn Trung Quốc (thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên), cho biết.
Bảo tồn gấu trúc là một nỗ lực toàn cầu. Và theo AP, tầm quan trọng của việc bảo tồn loài này là một trong những lý do khiến Trung Quốc có hợp tác mới với các sở thú ở Mỹ và gửi thêm nhiều gấu trúc đến đây, đang khi mối quan hệ song phương có nhiều rạn nứt.
Hồi tháng 6, Trung Quốc đã gửi một cặp gấu trúc đến vườn thú San Diego (bang California), và sắp tới cặp gấu này sẽ ra mắt công chúng sau nhiều tuần thích nghi. Một cặp khác sẽ đến vườn thú quốc gia Smithsonian (Washington DC) vào cuối năm nay. Cặp gấu trúc thứ ba cũng sẽ được gửi đến vườn thú San Francisco (bang California) trong tương lai gần.
Khởi điểm của ngoại giao gấu trúc bắt đầu từ hơn 50 năm trước, Chính phủ Trung Quốc khi đó bắt đầu gửi gấu trúc ra nước ngoài như một cử chỉ thiện chí trong việc bình thường hóa quan hệ giữa nước này với quốc gia phương Tây. Trong chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của tổng thống Mỹ Richard Nixon vào năm 1972, Bắc Kinh tặng Washington cặp gấu trúc Ling-Ling và Hsing-Hsing. Trong một thập niên sau đó, gấu trúc lớn cũng được Trung Quốc gửi đến các nước khác như Nhật Bản, Pháp, Anh và Đức.
Vào khoảng những năm 1980, khi số lượng gấu trúc bắt đầu suy giảm, Bắc Kinh đã ngừng tặng gấu trúc, chuyển sang hình thức cho mượn ngắn hạn và sau này là hợp tác dài hạn với các sở thú ở nước ngoài cho việc nghiên cứu và nhân giống loài động vật này.
Cặp gấu trúc đến vườn thú San Diego hồi tháng 6 đánh dấu việc Trung Quốc nối lại việc gửi gấu trúc đến Mỹ sau hơn 20 năm. Trong lúc quan hệ Mỹ - Trung tan băng, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 1 cam kết Bắc Kinh sẽ lại gửi gấu trúc đến Mỹ. Ông Vương khi ấy nói rằng hai nước cần phải chung sống hòa bình và gác lại những khác biệt.
Bà Barbara K. Bodine, cựu đại sứ Mỹ và hiện là chuyên gia về ngoại giao tại Đại học Georgetown University (Washington DC), nhận định động thái nối lại việc gửi gấu trúc đến Mỹ là một nước đi "sáng" của Trung Quốc nhằm làm dịu hình ảnh của nước này đối với người Mỹ.
Phản đối việc gửi đi "quốc bảo"
"Không phải mối quan hệ giữa chúng ta với Mỹ đang căng thẳng sao? Tại sao chúng ta lại phải háo hức gửi bảo vật quốc gia đến hang sư tử?", kênh CNBC dẫn một bình luận trên Weibo phản đối việc Bắc Kinh gửi "bảo vật" gấu trúc của người dân Trung Quốc đến Mỹ.
Tại Trung Quốc, có một cộng đồng không nhỏ đặc biệt yêu mến và hâm mộ loài gấu trúc, xem loài này như một ca sĩ hoặc người nổi tiếng. Họ đã phản ứng gay gắt với thông tin Trung Quốc trong năm nay gửi nhiều cặp gấu trúc đến Mỹ, thậm chí đưa cả thông tin cá nhân những người chăm sóc các cặp gấu trúc này lên mạng.
Một số người dẫn lý do họ lo ngại cho sức khỏe của gấu trúc, sợ chúng bị ngược đãi. Lo ngại này nhiều khả năng bắt nguồn từ việc con gấu Le Le trước đây từng đột ngột chết tại vườn thú Memphis (bang Tennessee, Mỹ) năm 2023. Sự việc này khi đó đã khiến nhiều người dùng mạng ở quốc gia tỉ dân phẫn nộ đòi biết nguyên nhân, đồng thời lo lắng cho sức khỏe của Yaya - bạn đời của Le Le.
Luồng ý kiến khác mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang có xung đột về nhiều vấn đề như thương mại, công nghệ hoặc vấn đề Đài Loan.
Một số người dùng mạng xã hội Trung Quốc kêu gọi chính phủ nước này chấm dứt hoàn toàn "ngoại giao gấu trúc", cho rằng chương trình này là dấu hiệu của "sự yếu đuối" và dẫn đến "mất phẩm giá".
Theo Hãng tin Reuters, kể từ năm 1984 Trung Quốc đã ngừng gửi tặng gấu trúc cho các quốc gia vì số lượng loài này suy giảm. Thay vào đó, Bắc Kinh bắt đầu cho các sở thú nước ngoài mượn gấu trúc, và thường theo hình thức cho mượn một cặp gấu trúc trong 10 năm với mức phí hằng năm lên đến 1 triệu USD.
Sau khi hợp đồng cho mượn kết thúc, những con gấu trúc sẽ phải được gửi trả về Trung Quốc. Bên cạnh đó, gấu trúc con sinh ra ở nước ngoài cũng sẽ phải được gửi trả về nước này khi chúng trong độ tuổi từ 2-4.
Tạp chí Fortune cũng dẫn báo cáo năm 2022 của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết các sở thú thường trả khoản phí 1 triệu USD/năm cho một cặp gấu trúc. Số tiền này sẽ được dành cho các nỗ lực bảo tồn gấu trúc ở Trung Quốc.
NGHI VŨ
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online