Mỹ hoan nghênh tòa án quốc tế phát lệnh bắt tổng tham mưu trưởng, cựu bộ trưởng quốc phòng Nga

Washington khẳng định ủng hộ một loạt điều tra quốc tế, gồm cả của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), về những hành động của lực lượng Nga ở Ukraine. Trong khi đó, Nga nói động thái của ICC là một phần trong cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Nga.

1 My Hoan Nghenh Toa An Quoc Te Phat Lenh Bat Tong Tham Muu Truong Cuu Bo Truong Quoc Phong Nga

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov (trái) và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong ảnh chụp ở Matxcơva, Nga vào ngày 27-2-2022 - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Anadolu, ngày 25-6, Mỹ hoan nghênh quyết định của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) về việc phát lệnh bắt giữ Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov và Cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller chỉ trích những hành động của các lực lượng Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, và cho rằng họ phải chịu trách nhiệm cho những hành động này.

Ông Miller nói Mỹ "ủng hộ một loạt điều tra quốc tế" về những hành động của các lực lượng Nga ở Ukraine. Trong đó có cả cuộc điều tra do ICC tiến hành.

Trong thông cáo hôm 25-6, Tòa ICC cáo buộc Cựu bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Gerasimov đã "chỉ đạo tấn công vào các mục tiêu dân sự", "gây ra thiệt hại ngẫu nhiên quá mức cho dân thường, hoặc thiệt hại cho các mục tiêu dân sự", và "phạm tội ác chống lại nhân loại".

ICC cho biết các thẩm phán nhận thấy "có căn cứ hợp lý để tin rằng hai nghi phạm phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng tên lửa do lực lượng vũ trang Nga thực hiện nhằm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine từ ít nhất ngày 10-10-2022 đến ít nhất ngày 9-3-2023".

Việc tòa án quốc tế phát lệnh bắt đồng nghĩa ông Shoigu và ông Gerasimov lọt vào danh sách truy nã của ICC. Dù vậy, giới quan sát cho rằng ít có khả năng hai vị này sẽ bị bắt. ICC không xử vắng mặt, trong khi Nga gần như chắc chắn không chấp nhận và càng không giao người.

Theo Hãng tin Reuters, như vậy với động thái mới nhất của ICC, đến nay đã có tổng cộng 8 lệnh bắt giữ được đưa ra với các quan chức cấp cao Nga kể từ lúc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022. Trong số này có lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, lệnh bắt giữ Ủy viên về quyền trẻ em Liên bang Nga Maria Lvova-Belova...

Ukraine đã hoan nghênh các lệnh bắt giữ mới nhất của ICC, nhưng Nga coi động thái này là vô nghĩa về mặt pháp lý. Bởi lẽ Nga không phải là bên tham gia Quy chế Rome về thành lập ICC.

Phản ứng trước lệnh bắt giữ của ICC ngày 25-6, Hội đồng An ninh Liên bang Nga nói động thái này chỉ là một phần trong cuộc "chiến tranh hỗn hợp" chống lại Nga.

"Đây chỉ là chuyện vặt, vì thẩm quyền của ICC không liên đới tới Nga, và quyết định này được đưa ra như một phần trong cuộc chiến tranh hỗn hợp của phương Tây chống lại đất nước chúng tôi" - Hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố từ Hội đồng An ninh Nga.

Nga không công nhận thẩm quyền của ICC

Ngày 17-3-2023, ICC phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên về quyền trẻ em Liên bang Nga - bà Maria Lvova-Belova, với cáo buộc "có thể liên quan tội ác chiến tranh" khi đưa trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Nga một cách bất hợp pháp.

Sau khi ICC phát lệnh bắt ông Putin, các nước phương Tây như Mỹ, Đức... đã hoan nghênh. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông Putin "rõ ràng đã phạm tội ác chiến tranh" và việc ICC quyết định phát lệnh bắt ông Putin là "chính đáng".

Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và coi các quyết định của cơ quan này là vô hiệu.

THANH BÌNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan