Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink ngày thứ Bảy nói tình hình ở Biển Đông rất đáng lo ngại, và nói các hành động gần đây của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này là “gây bất ổn rất nhiều.”
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink
Ông Kritenbrink đưa ra phát biểu này trong chuyến thăm Hà Nội, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
“Chúng tôi cho rằng các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là những hành động gần đây của nước này, xung quanh Bãi cạn Second Thomas, đối với Philippines là vô trách nhiệm, hung hăng, nguy hiểm và gây bất ổn rất nhiều,” ông Kritenbrink nói trong một cuộc họp báo với vài cơ quan báo chí được phép tham dự ở Hà Nội.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng với đồng minh Philippines của mình,” ông Kritenbrink nói, đồng thời cho biết thêm rằng Washington đã nói rõ một cách công khai lẫn riêng tư với Bắc Kinh rằng các nghĩa vụ trong hiệp ước phòng thủ chung mà họ có với Philippines là “sắt đá.”
Ngày thứ Sáu, các quan chức Philippines nói họ không xem xét kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ sau khi cáo buộc Trung Quốc hung hăng làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế ở Biển Đông có tranh chấp trước đó trong tháng này.
Bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tường thuật của Philippines, với một phát ngôn viên hôm thứ Năm nói rằng các biện pháp cần thiết được thực hiện là hợp pháp, chuyên nghiệp và không thể chê trách được.
“Chúng tôi cho rằng mọi quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, cần tôn trọng luật pháp quốc tế và cần hành xử có trách nhiệm trong lĩnh vực hàng hải,” ông Kritenbrink nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi khối lượng thương mại bằng tàu biển trị giá hơn 3 ngàn tỉ đôla đi qua hàng năm, bao gồm các khu vực mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague phán quyết yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này.
Nguồn: VOA