Nhật Bản thay đổi tiền giấy sau 20 năm

Hôm nay 3-7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu phát hành tiền giấy mới, nhằm cập nhật những tiến bộ trong công nghệ in ấn và hướng tới thiết kế phổ quát.

1 Nhat Ban Thay Doi Tien Giay Sau 20 Nam

Thiết kế tiền giấy mới của Nhật Bản - Ảnh: DAILY NEWS

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản thay đổi tiền giấy kể từ năm 2004. Cứ mỗi 20 năm hoặc lâu hơn, Bộ Tài chính Nhật Bản và BOJ thiết kế lại tiền giấy nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ và chống nạn tiền giả.

Lần phát hành tiền giấy năm 2024 có mục đích cập nhật những tiến bộ trong công nghệ in ấn và tạo ra thiết kế phổ quát hướng tới mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là người khiếm thị và người nước ngoài.

Các con số biểu thị mệnh giá được thiết kế to hơn và các mệnh giá cũng dễ phân biệt hơn khi chạm vào. Tuy nhiên kích thước của chúng sẽ không thay đổi.

Mẫu tiền giấy mới in chân dung 3 chiều của những cá nhân có đóng góp to lớn đối với nền văn minh Nhật Bản, sẽ thay đổi tùy vào từng góc nhìn khác nhau.

Cục In ấn quốc gia Nhật Bản khẳng định xứ sở hoa anh đào là quốc gia đầu tiên sở hữu công nghệ tiền giấy này, theo Hãng tin Reuters.

Thiết kế tiền giấy mới đã được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố vào năm 2019, đồng thời đặt ra thời hạn 5 năm để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Tính đến cuối tháng 6-2024, hơn 90% máy ATM tại các tổ chức tài chính và khoảng 80-90% máy tính tiền tại siêu thị và các cửa hàng tiện lợi đã cập nhật tiền giấy mới.

Bên cạnh đó một số cửa hàng quyết định không sử dụng tiền giấy mới vì đã quen với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo báo Nikkei Asia, tờ 10.000 yen mới in chân dung ông Eiichi Shibusawa - được biết đến là cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản.

Ông đã thành lập nhiều công ty lớn, bao gồm cả ngân hàng quốc gia đầu tiên của Nhật Bản, sau này trở thành Ngân hàng Mizuho. Phía sau tờ 10.000 là hình ảnh ga Tokyo.

Tờ 5.000 yen mới in chân dung bà Umeko Tsuda, người sáng lập trường đại học dành cho phụ nữ Tsuda University, kiêm nhà hoạt động ủng hộ giáo dục tiếng Anh cho phụ nữ. Mặt sau in hình hoa tử đằng, một loại hoa nổi tiếng trong văn hóa Nhật Bản.

Tờ 1.000 yen mới in chân dung bác sĩ Shibasaburo Kitasato, người tiên phong trong lĩnh vực y tế của Nhật Bản, đã đóng góp vào công tác phòng ngừa và điều trị bệnh truyền nhiễm trong và ngoài nước.

Mặt sau của tờ 1.000 yen in kiệt tác Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa của họa sĩ tài ba Katsushika Hokusai.

KHÁNH QUỲNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan