Nhờ đâu Hải Nam giảm được thiệt hại do siêu bão Yagi?

Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Hải Nam 10 năm qua. Bão làm rung chuyển các tòa nhà cao tầng, thổi bay cửa sổ, lật xe tải, quật ngã cây cối...

1 Nho Dau Hai Nam Giam Duoc Thiet Hai Do Sieu Bao Yagi

Người dân đi xe máy tìm cách lách qua chỗ cây đổ sau khi siêu bão Yagi đổ bộ vào Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam (ảnh chụp ngày 7-9) - Ảnh: CNS/AFP

Tính đến 18h ngày 7-9 (giờ Việt Nam), siêu bão Yagi đã khiến ít nhất 2 người chết và 92 người bị thương sau khi quét qua tỉnh Hải Nam Trung Quốc. Con số này phần nào cho thấy công tác chuẩn bị, ứng phó siêu bão đã phát huy hiệu quả tại hòn đảo 10 triệu dân.

Ứng phó siêu bão Yagi ở Hải Nam: An toàn tính mạng là cao nhất

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm qua đổ bộ vào Hải Nam. Cơn bão làm rung chuyển các tòa nhà cao tầng, thổi bay cửa sổ, làm lật xe tải, quật ngã cây cối, làm ngập nhà cửa... Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), bão cũng cuốn cát đá từ đại dương vào đê biển ở huyện Từ Văn, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.

An toàn tính mạng là cao nhất

Chính quyền Trung Quốc đánh giá Yagi là cơn bão "cực kỳ tàn phá". Hơn 830.000 hộ dân bị mất điện, ít nhất 2 người chết và 92 người bị thương ở Hải Nam sau khi bão đổ bộ vào tỉnh này hôm 6-9. Khoảng 1 triệu người đã được sơ tán tại hai tỉnh Hải Nam và Quảng Đông. Sân bay chính ở Hải Khẩu (thủ phủ Hải Nam) đã đóng cửa cho đến chiều 7-9.

Từ hôm 4-9, Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc (NMC) đã đưa ra cảnh báo đỏ (mức cao nhất) đối với bão Yagi. Chính quyền các địa phương cũng đã triển khai biện pháp ứng phó bão từ sớm. 

Tại Hải Nam - nơi bão đổ bộ đầu tiên, việc giảm thiểu tác động của bão là vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tỉnh Quảng Đông (miền nam Trung Quốc) có khoảng 127 triệu dân, trong khi Hải Nam có hơn 10 triệu dân.

Trước khi bão đổ bộ, chính quyền Hải Nam đã phát cảnh báo bão cấp 1 và Ủy ban phòng chống, giảm nhẹ và cứu trợ thiên tai tỉnh đã nâng cấp ứng phó khẩn cấp phòng chống gió và lũ lụt lên cấp 1. 

Toàn tỉnh bước vào trạng thái cao nhất về phòng chống bão, Hải Nam đóng cửa mọi điểm du lịch, bãi tắm ven biển, dừng mọi hoạt động du lịch và giải trí trên biển... cũng như các dự án du lịch liên quan đến biển và hàng không khác.

Tờ Hải Nam Nhật báo viết: "Siêu bão Yagi đang tiến tới và sẽ tấn công trực tiếp Hải Nam với gió mạnh, mưa lớn. Mưa chưa tới, nhưng đập đã xây xong! Chỉ thị không thay đổi: Kiên quyết đặt nhân dân lên hàng đầu, đặt sinh mạng lên hàng đầu".

2 Nho Dau Hai Nam Giam Duoc Thiet Hai Do Sieu Bao Yagi

Kiểm tra, di dời, gia cố

Trong những ngày trước khi bão Yagi đổ bộ, tất cả thành phố, huyện trong tỉnh Hải Nam đều tập trung phòng ngừa, nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân bằng cách kiểm tra, xử lý trước những nguy cơ tiềm ẩn, tổ chức sơ tán dân khẩn cấp... Tính đến 16h ngày 5-9 (tức một ngày trước khi bão đổ bộ), toàn tỉnh đã sơ tán 150.000 người.

Trong sáng 5-9, tại điểm tránh bão của Ủy ban khu dân cư Phố Tiền Khư, thị trấn Phố Tiền, thành phố Văn Xương thuộc tỉnh Hải Nam, tổ trưởng tổ công tác Hình Tăng Sâm đã trấn an một người dân mới được sơ tán đến: "Bà ơi, bà yên tâm ở lại đây. Chuyện ăn uống sẽ có người lo và cũng không cần lo lắng về vấn đề an toàn". 

Tại điểm tránh bão này, bánh quy, mì ăn liền, bánh mì, nước uống và các loại thức ăn đều đã được chuẩn bị, giường đơn được xếp ngăn nắp. Một người dân chia sẻ: "Chúng tôi rất hài lòng. Không chỉ có người chăm sóc mà sự an toàn của chúng tôi cũng được đảm bảo".

Khi bão đến gần, thị trấn Phố Tiền đã tiến hành sơ tán người dân có trật tự tại các khu vực nguy hiểm. Ông Hình Tăng Sâm cho biết trong vài ngày nhân viên Ủy ban khu dân cư Phố Tiền Khư đã đến thăm những căn nhà lợp ngói ở phố cổ Phố Tiền, xem xét những căn dễ gặp nguy hiểm và đưa người dân tới điểm tránh bão.

Tại điểm tránh bão ở làng Bối Sơn (thị trấn Phùng Pha), mì ăn liền, sữa, thuốc, đồ uống và các nhu yếu phẩm khác đều đã được chuẩn bị đầy đủ. Tổng cộng có 23 địa điểm như thế này - gọi là "điểm an trí" (hay điểm bố trí ổn thỏa) - đã được lập ra ở thị trấn Phùng Pha.

"Chúng tôi đã tổ chức cho cán bộ đi vào các làng, hộ dân để kiểm tra, huy động, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm" - ông Trương Tân Dĩnh, phó lãnh đạo chính quyền Phùng Pha, cho biết. Vị này thông tin thị trấn đã đưa người dân tới nơi an toàn trước 18h hôm 5-9. 

Từ ngày 4-9 đến sáng 5-9, Cơ quan phát triển nhà ở Hải Khẩu đã kiểm tra mức độ an toàn phòng chống gió và lũ lụt đối với 188 dự án đang xây dựng. TP Văn Xương hoàn thành việc sơ tán công nhân tại công trường. Hôm 5-9, tại các công trường xây dựng, mọi thiết bị đã ngừng hoạt động trong khi công nhân gia cố cơ sở vật chất.

Thành phố Hải Khẩu dừng mọi dịch vụ không thiết yếu, doanh nghiệp, phương tiện giao thông công cộng, chợ, trường học và công trường xây dựng vào hôm 5-9. Ngoài ra nông dân cũng tìm cách gia cố, bảo vệ cây trồng trước gió lớn. 

Nguồn cung rau quả được đảm bảo, các đội cấp cứu y tế được lập ra, hàng ngàn tàu đánh cá cùng với khoảng 70.000 ngư dân đã quay lại cảng Hải Nam và khu vực xung quanh để tránh trú, người dân dán băng keo lên cửa kính và ở trong nhà...

3 Nho Dau Hai Nam Giam Duoc Thiet Hai Do Sieu Bao Yagi

Người dân dọn dẹp sau siêu bão Yagi tại thị trấn Phố Tiền, thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam vào ngày 7-9 - Ảnh: T.H.X.

Khắc phục nhanh sau bão Yagi

Theo Tân Hoa xã, tất cả ban ngành ở Hải Nam đang nỗ lực hết sức để sửa chữa cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo các hoạt động kinh tế, xã hội và cuộc sống của người dân sớm được khôi phục sau bão.

Khi gió và mưa giảm bớt, Hải Nam hạ cấp cảnh báo bão và tiến hành các hoạt động phục hồi nhanh chóng trên toàn tỉnh. Hơn 2.200 nhân viên được huy động để khôi phục điện lưới cho khoảng 1,5 triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Đến 7h sáng 7-9, hơn 1/5 số hộ gia đình bị ảnh hưởng đã có điện trở lại. Chính quyền cũng bắt tay ngay vào sửa chữa đường sá. Dịch vụ đường sắt cao tốc vòng quanh đảo Hải Nam hoạt động trở lại vào chiều 7-9. Các dịch vụ phà ở eo biển Quỳnh Châu, phía bắc Hải Nam, dự kiến hoạt động lại vào tối 8-9.

Sân bay quốc tế Mỹ Lan, Hải Khẩu tạm thời đóng cửa cho đến trưa 8-9 do thiệt hại bão Yagi gây ra, trong khi sân bay quốc tế Phượng Hoàng, Tam Á bắt đầu mở lại dần các dịch vụ vào sáng 7-9. 

Trong khi đó, các đội cứu hộ nỗ lực khôi phục mạng lưới viễn thông khi hơn 12.500 trạm phát sóng bị hư hại trên toàn tỉnh, trong đó thành phố Văn Xương bị thiệt hại nặng nhất về hạ tầng liên lạc.

Bão gần bờ hơn, mạnh lên nhanh hơn

Miền nam Trung Quốc vốn thường hứng chịu bão vào mùa hè và mùa thu - những cơn bão hình thành ở các đại dương ấm phía đông Philippines và Thái Lan. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7, các cơn bão trong khu vực hiện nay hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và tấn công đất liền lâu hơn do biến đổi khí hậu.

Yagi là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới từ đầu năm 2024 đến nay. Yagi hình thành vào cuối tuần trước ở biển Philippines, khiến ít nhất 20 người chết ở Philippines. Sau đó, cơn bão này mạnh lên nhanh chóng ở Biển Đông và trở thành siêu bão (một cơn bão nhiệt đới ở tây bắc Thái Bình Dương với sức gió ít nhất là 240km/h).

BÌNH AN - THANH BÌNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan