Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Ukraine không nhượng bộ trước đề xuất của Nga nhằm mang lại hòa bình lâu dài. "Tất cả chúng ta đều cam kết xây dựng một nền hòa bình bền vững. Một nền hòa bình như vậy không thể là sự đầu hàng của Ukraine"
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong phiên họp toàn thể tại hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ ngày 15/6 (Ảnh: Reuters).
Phát biểu tại hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ hôm 15/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi sự tham gia của nhiều quốc gia hơn trong quá trình tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine - Nga.
"Tất cả chúng ta đều cam kết xây dựng một nền hòa bình bền vững. Một nền hòa bình như vậy không thể là sự đầu hàng của Ukraine", ông Macron nói.
Ông Macron cho biết bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt giao tranh đều phải khôi phục chủ quyền của Ukraine và tôn trọng "luật lệ quốc tế".
Tại hội nghị về Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết các đề xuất hòa bình từ Nga và Ukraine là những bước quan trọng hướng tới một giải pháp cuối cùng.
Ông Fidan cảnh báo cuộc giao tranh có thể vượt ra ngoài biên giới hiện tại và có khả năng dẫn đến xung đột hạt nhân.
"Chúng ta đã có kế hoạch hòa bình của Ukraine và Nga gần đây đã chia sẻ một số điều kiện. Bất kể nội dung và điều kiện được đưa ra như thế nào, đây đều là những bước đi quan trọng và là tia hy vọng để khởi đầu", ông Fidan nói.
"Cuộc xung đột ngày càng trở thành một cuộc chiến không chỉ giữa Nga và Ukraine", nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói, đồng thời cảnh báo "cuộc chiến có thể vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine về mặt địa lý".
"Chúng ta đang chứng kiến sự phân cực hơn nữa đang diễn ra. Cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga không chỉ là một cuộc chiến mà có thể trở thành một điều gì đó hơn thế nữa. Chúng ta phải đối mặt với nguy cơ liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt", ông Fidan nói thêm.
Theo ông Fidan, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình trở lại, giống như nước này từng làm vào mùa xuân năm 2022, khi Nga và Ukraine không đạt được thỏa thuận. Ông nói thêm rằng sự hiện diện của Nga tại các cuộc đàm phán ở Thụy Sĩ có thể khiến sự kiện này "định hướng kết quả hơn".
Hội nghị hòa bình đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở Thụy Sĩ và được cho là có sự tham gia của hơn 100 phái đoàn, bao gồm cả các phái đoàn từ các nước G7, G20 và BRICS. Dù là một bên xung đột, nhưng Nga vẫn chưa được mời tham dự sự kiện này.
Phát biểu tại cuộc họp Bộ Ngoại giao Nga hôm 14/6, ông Putin ra hiệu rằng Nga sẽ ngừng bắn và bắt đầu đàm phán nếu Kiev đáp ứng một số điều kiện: nhượng lại toàn bộ 5 khu vực của Ukraine đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý để sát nhập vào Nga, bao gồm Crimea; loại bỏ quân đội hiện có của Ukraine ở các khu vực này; từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO; cam kết không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như "phi quân sự hóa", "phi quốc tế hóa" và tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga.
Tổng thống Putin cho biết, để đạt được một nền hòa bình lâu dài, tất cả những điểm này cần được công nhận ở cấp độ quốc tế và sau đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Lời đề nghị của ông Putin ngay lập tức bị tổng thống Ukraine từ chối, gọi đây là "tối hậu thư". Các quan chức phương Tây cũng nhanh chóng chỉ trích đề xuất không thể chấp nhận và có phần ngớ ngẩn, thiếu thực tế này.