Các nhà hoạch định chính sách tài chính của Ngân hàng Anh (BoE) lần đầu tiên bày tỏ mối quan ngại rằng việc các thị trường tài chính phụ thuộc vào lãi suất liên ngân hàng Anh (Libor) đã tạo ra nguy cơ lớn đối với sự ổn định tài chính của nước Anh.
Trụ sở Ủy ban Chính sách Tài chính Anh. (Nguồn: Reuters) Ủy ban Chính sách tài chính (FPC) thuộc BoE từ tháng 3/2017 đã đưa ra nhận định về nguy cơ gây bất ổn tài chính từ lãi suất Libor, hiện được dùng để xác định lãi suất cho các giao dịch tài chính trị giá khoảng 350.000 tỷ USD trên toàn thế giới – bao gồm các giao dịch từ chứng khoán phái sinh đến các khoản cho vay của sinh viên.
Libor là lãi suất tham chiếu được tính toán dựa trên mức lãi suất trung bình hàng ngày do các ngân hàng đề xuất.
Các cơ quan quản lý và tổ chức tài chính đã bắt tay vào nghiên cứu các công cụ thay thế cho Libor, kể từ sau khi xảy ra các vụ bê bối thao túng lãi suất này, trong đó các ngân hàng lớn và công ty môi giới phải chi trả gần 10 tỷ USD tiền phạt trên toàn thế giới, với một số người đã phải vào tù vì tội làm giá lãi suất Libor.
Hồi tháng Bảy vừa qua, Andrew Bailey, người đứng đầu Cơ quan Thực thi tài chính Anh (FCA), đồng thời là thành viên của FPC, đã cảnh báo rằng các thị trường không thể dựa vào lãi suất Libor sau năm 2021 và FCA sẽ giúp họ chuyển sang các công cụ lãi suất thay thế khác.
FPC cho hay công tác nghiên cứu một chuẩn lãi suất dựa trên các giao dịch gần như không tạo rủi ro để thay thế Libor đang được tiến hành. Đồng thời, FPC cũng đang nỗ lực kiến tạo các điều khoản pháp lý cho các hợp đồng Libor hiện hành. Trong thời gian chờ một công cụ lãi suất chuẩn mới, FPC sẽ yêu cầu các ngân hàng được chọn tiếp tục công bố lãi suất cho quá trình tính lãi suất bình quân Libor.
Trong biên bản công bố ngày 3/10, FPC cũng đề cập tới các mối quan ngại về những rủi ro mà tiến trình Brexit, chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), tạo ra đối với sự ổn định tài chính của Xứ sở Sương mù.
FPC cũng lưu ý rằng các ngân hàng có trụ sở tại châu Âu và chi nhánh ở nước Anh hiện cũng chưa chú tâm ở mức cần thiết nhằm giải quyết những rủi ro liên quan đến Brexit. Theo FPC, các ngân hàng cần xin cấp giấy phép hoạt động đầy đủ ở Vương quốc Anh trong quý 1/2018 để có thể duy trì hoạt động sau Brexit.
Vtimes.com