Tin tức thế giới 2-7: Thủ tướng Hungary thăm Kiev; Hà Lan sẽ gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine

Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo chiến thuật; Hà Lan sẽ sớm gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine; Thủ tướng Hungary Viktor Orban thăm Kiev ngày 2-7, gặp ông Zelensky... là những tin tức đáng chú ý sáng 2-7.

1 Tin Tuc The Gioi 2 7 Thu Tuong Hungary Tham Kiev Ha Lan Se Gui Tiem Kich F 16 Cho Ukraine

Người dân Hàn Quốc xem tivi đưa tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên ngày 1-7 - Ảnh: AFP

Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo chiến thuật

Ngày 2-7, Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bình Nhưỡng đã thử thành công một tên lửa đạn đạo chiến thuật mới vào ngày trước đó, có khả năng mang đầu đạn siêu lớn nặng 4,5 tấn.

Ngày 1-7, Hàn Quốc thông tin rằng Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo và cho biết tên lửa thứ hai có thể đã rơi ngay sau khi phóng.

KCNA không đề cập đến tên lửa thứ hai trong thông báo.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật mới có tên Hwasongpho-11 Da-4.5. Cuộc thử nghiệm nhằm xác minh độ ổn định và độ chính xác khi bay của tên lửa.

Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ phóng tên lửa cùng loại khác vào tháng 7 để kiểm tra "sức nổ" của đầu đạn siêu lớn.

Quốc hội Phần Lan thông qua Hiệp định hợp tác quốc phòng với Mỹ

Ngày 1-7, Quốc hội Phần Lan đã nhất trí thông qua Hiệp định hợp tác quốc phòng (DCA) với Mỹ. DCA cho phép tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ và lưu trữ các thiết bị quốc phòng ở quốc gia Bắc Âu này.

Mỹ có thể tiếp cận 15 căn cứ quân sự ở Phần Lan, đồng thời được hiện diện và huấn luyện cũng như bố trí các trang thiết bị phòng thủ trên lãnh thổ Phần Lan.

Ngoài ra, DCA cũng tăng cường sự hợp tác giữa hai nước trong các tình huống khủng hoảng.

DCA đã được Chính phủ Phần Lan ký vào tháng 12-2023. Với mục đích tăng cường khả năng an ninh và phòng thủ của Phần Lan, sau khi quốc gia này gia nhập NATO vào tháng 4-2023.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Phần Lan Kimmo Kiljunen hoan nghênh việc thông qua DCA là "thời khắc lịch sử". Ông Kiljunen nhấn mạnh nhiệm vụ của thỏa thuận này cũng giống như nhiệm vụ của thành viên NATO là tăng cường an ninh của đất nước và người dân Phần Lan.

Trước đó, Mỹ đã ký kết hiệp định tương tự với 11 quốc gia NATO khác, trong đó có những nước láng giềng của Phần Lan ở Bắc Âu là Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch.

Hà Lan sẽ sớm gửi tiêm kích F-16 cho Ukraine

Hà Lan sẽ sớm cung cấp cho Ukraine những chiếc đầu tiên trong số 24 chiếc F-16 đã được cam kết từ trước.

Hiện chưa rõ số lượng giao hàng đợt đầu và khi nào chúng sẽ đến Ukraine vì lý do an ninh.

Hà Lan là một trong những động lực thúc đẩy các nước cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, nhằm tăng cường khả năng phòng không chống lại Nga.

Chính phủ Hà Lan trước đó đã cung cấp máy bay F-16 cho một cơ sở huấn luyện ở Romania, nơi các phi công Ukraine và nhân viên mặt đất đang được dạy cách bay và bảo trì máy bay.

Nga tố Ukraine tập kích Belgorod, khiến thường dân thiệt mạng

Thống đốc vùng Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết một thường dân đã thiệt mạng trong vụ pháo kích của Ukraine vào một cơ sở nông nghiệp.

Vụ tấn công cũng làm bị thương 7 người, hơn 20 ngôi nhà bị hư hại.

Ông Vyacheslav Gladkov cho biết thêm máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công thị trấn biên giới Shebekino, làm hai người bị thương.

Belgorod, giáp khu vực Kharkov của Ukraine, thường xuyên bị lực lượng Kiev tấn công kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 2-2022.

2 Tin Tuc The Gioi 2 7 Thu Tuong Hungary Tham Kiev Ha Lan Se Gui Tiem Kich F 16 Cho Ukraine

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 27-6 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Hungary Viktor Orban thăm Kiev ngày 2-7

Đây là lần đầu tiên ông Orban thăm Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2-2022.

Dự kiến thủ tướng Hungary sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Chuyến thăm của ông Orban, một người thẳng thắn chỉ trích viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, sẽ diễn ra một ngày sau khi Hungary đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu.

Ông Orban, đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong số các nhà lãnh đạo EU, thường xuyên phản đối nhiều sáng kiến của EU nhằm hỗ trợ Ukraine.

Năm ngoái, ông Orban nói với ông Putin rằng Hungary chưa bao giờ muốn chống lại Nga. Vào đầu năm 2024, các nhà lãnh đạo EU phải mất nhiều tuần để phá vỡ quyền phủ quyết của thủ tướng Hungary về việc gia hạn khoản viện trợ mới 50 tỉ euro (54 tỉ USD) cho Ukraine.

Cuba công bố biện pháp mới đối phó khủng hoảng kinh tế

Kể từ ngày 1-7, một loạt các quy định kinh tế mới sẽ bắt đầu có hiệu lực tại Cuba nhằm giúp chính phủ tăng cường các biện pháp kiểm soát vật giá và tiếp tục chống trốn thuế, trong bối cảnh thâm hụt tài chính và lạm phát gia tăng.

Một trong số các quy định đáng chú ý là việc thiết lập tỉ suất lợi nhuận tối đa là 30% trong các hợp đồng kinh tế của các đơn vị cả công lập và tư nhân.

Các hội đồng tỉnh và hội đồng hành chính thành phố có quyền phê duyệt mức giá và phí tối đa của hàng hóa và dịch vụ, có tính đến đặc thù của từng địa phương.

Cùng ngày, quyết định gia hạn ưu đãi thuế quan đến ngày 30-9 đối với hàng nhập khẩu phi thương mại như thực phẩm, sản phẩm vệ sinh, thuốc men, vật tư y tế và máy phát điện cũng chính thức có hiệu lực.

Theo nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, các biện pháp mới sẽ giúp nhà nước đạt được các mục tiêu về ngân sách năm 2024, phù hợp với bối cảnh "kinh tế thời chiến".

Vẻ đẹp Tân Cương

3 Tin Tuc The Gioi 2 7 Thu Tuong Hungary Tham Kiev Ha Lan Se Gui Tiem Kich F 16 Cho Ukraine

Du khách ngắm cảnh ở đồng cỏ Bayanbulak, Tân Cương, Trung Quốc - Ảnh: GUARDIAN

MINH KHÔI

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan