Các nhà lãnh đạo NATO cho biết, hiệp ước quốc phòng mới ký kết giữa Nga và Triều Tiên cho thấy mối quan hệ ngày càng mật thiết giữa các nước chuyên chế. Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước dân chủ phải kết hợp thành một khối thống nhất.
Theo báo cáo của Reuters, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào ngày 19/6 trong buổi thảo luận tại thủ đô Ottawa của Canada đã cho biết, Triều Tiên đang cung cấp “một lượng lớn đạn dược” cho Nga, trong khi Trung Quốc và Iran đều hỗ trợ quân sự cho Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine. Những nước chuyên chế này đang “hỗ trợ lẫn nhau theo một cách chưa từng thấy”.
Ông Stoltenberg nói rằng, điều này có nghĩa là sự hợp tác giữa NATO và các đồng minh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở nên quan trọng hơn. Ông bổ sung rằng, đây chính là lý do Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức tại Washington vào tháng tới. Ông Stoltenberg cho biết, ông sẽ sử dụng hội nghị này để củng cố thêm quan hệ đối tác giữa NATO và các đối tác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Stoltenberg cũng cho biết, ông hy vọng Canada có thể đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP theo quy định của NATO. Ông nói: “Nếu chúng ta không thể duy trì hòa bình, thì mọi việc chúng ta làm trong các lĩnh vực như y tế, biến đổi khí hậu, giáo dục… đều sẽ thất bại”.
Vào thứ Ba (ngày 18/6) tại Washington, ông Stoltenberg cùng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một cuộc họp báo cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông Stoltenberg nói, chuyến thăm của ông Putin đến Triều Tiên đã xác nhận mối quan hệ mật thiết giữa các nước chuyên chế như Nga, Triều Tiên, Trung Quốc và Iran, và cho thấy an ninh không phải là vấn đề khu vực mà là vấn đề toàn cầu. Các nước dân chủ cần phải chung tay để đối phó với những thách thức này.
Còn ông Blinken nói với các phóng viên rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều cho thấy, Nga đang tuyệt vọng và họ phải cố gắng tăng cường mối quan hệ với Triều Tiên để tiếp tục nhận được những vật tư cần thiết cho cuộc chiến Nga - Ukraine.
Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong Un hôm thứ Tư (ngày 19/6) đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó bao gồm cam kết phòng thủ chung. Động thái này đã thay đổi hoàn toàn chính sách của Moscow đối với Bình Nhưỡng. Cùng ngày, ông Kim Jong Un tuyên bố rằng, Triều Tiên và Nga đã khôi phục lại mối “quan hệ đồng minh” sau 28 năm.
Năm 1961, Triều Tiên và Liên Xô đã ký Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác và Tương trợ bao gồm điều khoản “tự động can thiệp quân sự trong trường hợp khẩn cấp”. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô giải thể, hiệp ước này đã bị hủy bỏ vào năm 1996. Kể từ đó, Moscow đã từ bỏ lập trường hỗ trợ vô điều kiện cho Triều Tiên để đối phó với Hàn Quốc và Mỹ, và Nga đã bắt đầu cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sự tương tác giữa các nước chuyên chế thường đi kèm với sự cạnh tranh, nghi ngờ và thiếu tin tưởng. Một bài phân tích của Reuters chỉ ra rằng, ngay cả Liên Xô cũ khi cung cấp bảo đảm an ninh cho Triều Tiên vào năm 1961, họ cũng coi Triều Tiên là một đối tác không ổn định và có nguy cơ nổi loạn tiềm tàng, cho nên họ thường giữ thái độ dè dặt khi hợp tác với Triều Tiên.
Nhà nghiên cứu Peter Ward thuộc Viện Nghiên cứu Sejong (Sejong Institute) ở Hàn Quốc nói với tờ Wall Street Journal rằng, Nga có thể thận trọng trong việc chia sẻ công nghệ tiên tiến về tên lửa đạn đạo liên lục địa cho Bình Nhưỡng, bởi vì điều này có thể làm phiền lòng các nước bạn như Trung Quốc. Trung Quốc cũng coi việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân không kiểm soát là mối đe dọa đối với an ninh của chính mình.
Trong những tháng gần đây, thương mại giữa Nga và Triều Tiên đã trở nên sôi động. Nga dùng lương thực, dầu mỏ và những vật tư khác để đổi lấy vũ khí từ Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Triều Tiên nên được chú ý, đặc biệt là đối với những ai muốn duy trì hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, ủng hộ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Thuần Phong biên dịch