Việc Triều Tiên vừa đáp trả tuyên bố chung của Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là dấu hiệu thể hiện Bắc Kinh và Bình Nhưỡng không hoàn toàn thống nhất quan điểm về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bất chấp việc hai nước vẫn hợp tác trong những lĩnh vực khác.
Quốc kỳ Trung Quốc và Triều Tiên. (Ảnh: Global Times)
Ngày 27/5, Triều Tiên chỉ trích việc lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo, cho rằng tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh của ba cường quốc Đông Bắc Á tại Seoul là “sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng”, vi phạm chủ quyền của Triều Tiên.
Dù Bắc Kinh chắc chắn đã hạ thấp lời lẽ trong tuyên bố chung bằng việc chỉ nhắc đến bán đảo chứ không nêu tên Triều Tiên, nhưng điều đó vẫn khiến Bình Nhưỡng nổi giận, một nhà phân tích ở Mỹ đánh giá.
“Đáng chú ý là Triều Tiên chỉ trích tuyên bố chung mà Trung Quốc đã ký, dù Bắc Kinh đã giảm tông lời lẽ”, Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu Patricia Kim, công tác tại Viện Brookings tại Mỹ.
Trong tuyên bố chung, ba quốc gia “nhắc lại lập trường về hòa bình và ổn định khu vực, phi hạt nhân hóa bán đảo”. Tuy nhiên, tuyên bố này khác với tuyên bố đưa ra năm 2019 và trước đó ở điểm là không cam kết theo đuổi phi hạt nhân hóa.
Từ khi các cuộc đàm phán quốc tế với Mỹ bế tắc năm 2019, Triều Tiên quay sang gạt bỏ ý tưởng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
“Triều Tiên muốn nhấn mạnh quan điểm rằng bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào gợi ý Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa là điều không thể chấp nhận được”, Tong Zhao, một chuyên gia về hạt nhân tại Viện Hòa bình quốc tế Carnegie, nhận xét.
“Sau khi đưa quy chế hạt nhân vào hiến pháp và trừng phạt bất kỳ ai chất vấn điều này, Triều Tiên đang đòi cộng đồng quốc tế chính thức công nhận họ là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Tong nói.
Khi được hỏi về chỉ trích của Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/5: “Quan điểm cơ bản của Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên không thay đổi”. Bà Mao không đề cập đến vấn đề phi hạt nhân hóa.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng có những khác biệt đáng kể giữa ba quốc gia về vấn đề Triều Tiên tại hội nghị lần này, và Trung Quốc đã không sử dụng cụm từ “phi hạt nhân hóa” từ năm ngoái.
“Xem xét tình hình địa - chính trị hiện nay, tôi nghĩ sẽ khó thuyết phục Trung Quốc đồng ý với điều gì giống những thỏa thuận trước đây về vấn đề này”, vị quan chức cho biết.
Tuy nhiên, quan chức này khẳng định quan điểm cơ bản Trung Quốc về vấn đề phi hạt nhân hóa chưa thay đổi.
Trung Quốc vẫn là một đồng minh quan trọng của Triều Tiên, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất.
Theo nhà nghiên cứu Rachel Minyoung Lee, việc Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự chỉ vài giờ sau hội nghị thượng đỉnh ở Seoul không phải điều tình cờ, mà là một thông điệp gửi đến Trung Quốc.
“Quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc có vẻ nguội đi trong năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên trong nhiều năm mà dấu hiệu bất hòa lộ ra”, bà Lee viết trong báo cáo cho chương trình 38 North chuyên về Triều Tiên.
Nhà nghiên cứu Kim ở Viện Brookings đồng ý rằng những hành động của Triều Tiên cho thấy quan hệ với Trung Quốc không nồng ấm như vẻ bề ngoài.
Bà nhấn mạnh rằng Triều Tiên hiện nay đang tăng cường quan hệ với Nga, có lẽ vì Bình Nhưỡng tin rằng họ có đòn bẩy tốt hơn.
Ông Zhao cho rằng Trung Quốc có vẻ dè dặt khi Triều Tiên tăng cường hợp tác quân sự với Nga, vì điều này có thể làm suy yếu vị thế gần như độc quyền của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.
Ông cũng cho rằng Trung Quốc thận trọng để tránh bị hiểu là đang hình thành một liên minh trên thực tế giữa Bắc Kinh, Mátxcơva và Bình Nhưỡng, từ đó khiến hợp tác của Trung Quốc với phương Tây khó khăn hơn.
Bình Giang
Theo Reuters
Nguồn: Báo Tiền Phong Online