Trước ngày mở ra hội nghị vãn hồi hòa bình cho Ukraina tại Thụy Sĩ, hôm 14/05/2024 tổng thống Putin « tỏ thiện chí » qua tuyên bố sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến tranh với điều kiện Ukraina « rút quân » khỏi các vùng Nga đang chiếm đóng, và vĩnh viễn cam kết từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Ukraina, Mỹ và NATO lập tức bác bỏ các đòi hỏi của chủ nhân điện Kremlin và khẳng định Nga không đủ tư cách để áp đặt điều kiện vãn hồi hòa bình cho Ukraina.
Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp với Bộ Ngoại Giao Nga, Matxcơva, Nga, ngày 14/06/2024. AP - Alexander Zemlianichenko
Trong cuộc họp với các quan chức trong bộ Ngoại Giao Nga hôm qua, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố « Ngay một khi Kiev (…) bắt đầu cho rút quân » khỏi các vùng Donetsk, Lougansk, Kherson và Zaporrijjia và chính thức « từ bỏ kế hoạch tham gia NATO », « ngay từ giờ phút đó, chúng tôi (Nga) sẽ ban hành lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán ».
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại tại bốn vùng nói trên của Ukraina quân Nga đang chiếm đóng nhưng chưa hoàn toàn làm chủ tình hình cho dù từ tháng 9/2022 ông Putin tuyên bố sáp nhập những vùng lãnh thổ này vào với nước Nga, tương tự như Nga đã giành được bán đảo Crimée hồi năm 2014.
Vẫn theo AFP, tổng thống Nga đòi Ukraina giao nộp toàn bộ các vùng Donetsk, Lougansk, Kherson và Zaporrijjia đồng nghĩa với việc bắt chính quyền Kiev « đầu hàng », từ bỏ mục tiêu giành lại toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền căn cứ trên các đường biên giới đã được quốc tế công nhận.
Chuẩn bị đến Thụy Sĩ dự hội nghị, tổng thống Volodymyr Zelensky lập tức bác bỏ các yêu sách của Matxcơva. Kiev coi đây là một « tối hậu thư » tựa như xưa kia lãnh đạo phát xít Đức « Hitler từng làm khi ông đòi thôn tính Tiệp Khắc để dừng lại cỗ máy chiến tranh. Nhưng đó chỉ là những lời lẽ dối trá ». Theo bộ Ngoại Giao Ukraina phát biểu của tổng thống Putin cho thấy nước Nga « lo sợ trước viễn cảnh Ukraina được thực sự hòa bình ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin quan niệm chiếm đóng lãnh thổ của Ukraina một cách bất hợp pháp, Matxcơva « không trong thế mạnh để áp đặc điều kiện vãn hồi hòa bình ». Thủ tướng Đức cũng cho rằng Nga không có lý do chính đáng để áp đặt một kế hoạch hòa bình trên hồ sơ Ukraina.
Theo RFI