Khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico bị bắn vào ngày 15-5, mạng xã hội tràn ngập tin đồn và thuyết âm mưu. Trong số đó có một tin đồn liên quan tới y tế: các công ty lớn trong ngành dược.
Người dân ở châu Phi chờ tiêm vắcxin - Ảnh: AFP
Thuyết âm mưu này liên hệ giữa âm mưu ám sát ông Fico với những phát biểu chỉ trích của ông nhằm vào các ông lớn ngành dược (big pharma), và dĩ nhiên không hề có bằng chứng.
Nhưng chi tiết trên ngoài nêu bật nạn tin giả tràn lan ở Slovakia, cũng phần nào phản ánh căng thẳng xung quanh "Hiệp định WHO". Thủ tướng Slovakia từng phản đối thỏa thuận này, cho động thái trên là "một việc vô nghĩa chắc chắn do các công ty dược lớn tạo ra".
Tất nhiên chúng ta đều mong mình có thể đạt đồng thuận về thỏa thuận này đúng hạn trong kỳ họp... Nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng các bạn sẽ làm được, bởi ở đâu có ý chí ở đó có con đường.Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu vào ngày 27-5
Chưa thể có hiệp định y tế toàn cầu
Dư luận ở Slovakia như đang chia đôi. Một nhóm cho rằng tin giả và thuyết âm mưu tạo ra tâm lý dè chừng WHO, trong khi nhóm còn lại cho rằng không nên để WHO có quá nhiều quyền lực. Câu chuyện này diễn tả bức tranh chung về một chủ đề đang được thảo luận sôi nổi ở kỳ họp lần thứ 77 của Hội đồng Y tế thế giới (WHA).
Với chủ đề "Tất cả cho y tế, Y tế cho tất cả", kỳ họp mới nhất của WHA tổ chức từ ngày 27-5 tới 1-6 ở Geneva (Thụy Sĩ) lần này quy tụ bộ trưởng y tế và đại diện cấp cao các nước. Họ sẽ tiếp tục thảo luận về các thách thức y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, trọng tâm của Geneva là hiệp định về phòng ngừa và phản ứng với đại dịch, còn gọi là "Hiệp định WHO" hoặc "Hiệp ước về đại dịch". Bên cạnh đó, các thành viên dự họp cũng được kỳ vọng sẽ thảo luận về những điều chỉnh trong Quy định y tế thế giới, mở đường cho sự phối hợp của các quốc gia trong việc củng cố cơ chế ứng phó cũng như chuẩn bị cho các đại dịch tiếp theo như COVID-19.
Các nhà ngoại giao, quan chức y tế, nhóm vận động... và 194 thành viên WHA đã nỗ lực ra đời một dự thảo cho "Hiệp ước đại dịch". Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng dự đoán kỳ họp lần thứ 77 này sẽ là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử 76 năm của WHO.
Tuy nhiên, sau hơn hai năm rưỡi làm việc, tính tới ngày 24-5, nỗ lực phút cuối đã không mang tới kết quả khi các điều khoản quan trọng chưa được giải quyết, bao gồm công thức chia sẻ vắc xin và thuốc trên toàn cầu trong tình trạng y tế khẩn cấp.
Phát biểu hôm 27-5, ông Tedros khẳng định đó không phải là một thất bại. Ông chỉ thừa nhận rằng các nhà đàm phán phải đối diện nhiệm vụ "to lớn" trong một khung thời gian "quá tham vọng".
Hành động chung trong thế giới chia rẽ
Việc "Hiệp ước đại dịch" chưa thành lần này là đòn giáng lớn vào tham vọng xây dựng chương trình nghị sự chống dịch toàn cầu. Thực tế, các quan chức WHO và những nước ủng hộ hiệp ước trên đã rất muốn tận dụng đà tiến từ COVID-19 để thúc đẩy các bên thông qua. Tuy nhiên, khi những ám ảnh về đại dịch càng mờ nhạt, quyết tâm và mong muốn của công chúng cũng như nhà làm chính sách càng ít đi.
Trong tình huống ấy, lợi ích nhóm và những trăn trở về chủ quyền lên ngôi. Theo tinh thần chung của "Hiệp ước đại dịch", những mầm bệnh không liên quan tới biên giới quốc gia đòi hỏi một phản ứng thống nhất từ mọi quốc gia. Tuy nhiên, những người ra quyết định đang không thể giữ sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và cái mà WHO cho là lợi ích của nhân loại.
Báo chí quốc tế không khai thác quá sâu vào các điều khoản gây tranh cãi trong "Hiệp ước đại dịch", ngoại trừ vài chi tiết chung chung như bất đồng về chia sẻ thuốc, vắc xin cũng như vấn đề chủ quyền.
Cách đây hơn hai tuần, tờ Telegraph đưa tin Vương quốc Anh không đồng ý với dự thảo hiệp ước, nhưng nhà chức trách nước này không bình luận sâu về bất đồng mà chỉ nhắc qua về lợi ích quốc gia và chủ quyền.
Thực tế, những ý kiến phản đối hiệp ước này thường nêu lo ngại về chuyện họ phải chống dịch theo kiểu WHO, tức không thể tự chủ trong công tác phòng chống dịch. Với riêng Anh, rõ ràng nước này đã từng tiên phong trong phong trào chống đối đeo khẩu trang, bác bỏ yêu cầu phong tỏa hay giãn cách xã hội.
Một điểm bất đồng khác được phân tích trước đây liên quan tới "big pharma", khi họ từ chối đóng góp khoản tiền thường niên cho các nước nghèo. Ý tưởng của khoản tiền này là big pharma sẽ góp một phần tài chính cho (ví dụ) châu Phi, đổi lại sẽ xác định được các mầm bệnh mới tại châu lục có chất lượng y tế trung bình bị đánh giá thấp này.
Khi phản đối chuyện trả tiền, các công ty dược lớn cho rằng điều đó tạo ra tình trạng quan liêu, làm chậm sự phát triển của y tế. Ngoài ra, họ cũng không đồng ý với các điều khoản liên quan tới việc chia sẻ thông tin và bản quyền.
Có lẽ WHO đã đúng khi hy vọng hậu quả của COVID-19 khiến các nước quyết tâm chia sẻ trách nhiệm toàn cầu hơn. Nhưng họ cũng không ngờ COVID-19 cũng phơi bày khác biệt về quan điểm khoa học, chống dịch, và cũng kích thích sự bất mãn nhen nhóm trong xã hội.
NHẬT ĐĂNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online