Ăn xin giả ở “nơi hạnh phúc nhất” nước Anh

Giới chức thị trấn Royal Leamington Spa, thuộc hạt Warwickshire (Anh) cho hay, số lượng người ăn xin đổ xô đến thị trấn này tăng gấp 10 lần kể từ khi được bình chọn là “nơi hạnh phúc nhất” nước Anh.

Ăn xin thu nhập 200 bảng/ngày

Royal Leamington Spa là một trong những thị trấn giàu có nhất ở Anh. Những người ăn xin ở đây có thể kiếm được khoản tiền “khủng” từ những người dân địa phương giàu có.

Theo thống kê của một số tổ chức từ thiện, thu nhập bình quân của người ăn xin ở Royal Leamington Spa lên đến 200 bảng/ngày, khoảng 73 nghìn bảng Anh/năm, cao gấp 2,5 lần mức lương trung bình của người Anh với 27,6 nghìn bảng. Điều đáng quan tâm là số lượng người ăn xin giả xuất hiện ngày càng nhiều.

Hiện tượng ăn xin giả xuất hiện ở Royal Leamington Spa khiến các cơ quan chức năng đau đầu.
Doanh nhân Thomas Franks, 45 tuổi cho hay, ông đã sống ở thị trấn Royal Leamington Spa 20 năm qua và nhận thấy, số người ăn xin đã tăng gấp nhiều lần. “Thật buồn khi gặp những người vô gia cư trên đường phố. Tôi luôn khuyến khích con cái cho tiền hoặc mua cà phê, bánh quy cho họ.

Giờ đây, nhiều người nghi ngờ rằng, không phải tất cả những người vô gia cư trên phố đều là thật. Nếu những người ăn xin giả cố tình nhắm mục tiêu đến Leamington vì họ biết các cư dân ở đây có nhiều tiền hơn thì đó là điều phiền phức mà chúng tôi không bao giờ muốn xảy ra”, ông Thomas Franks nói.

Ông Thomas Franks nói thêm rằng, có người nghèo thực sự và đáng được xã hội giúp đỡ nhưng không thể chấp nhận hiện tượng ăn xin giả. Ông mong muốn, cảnh sát cần mạnh tay để dẹp bỏ “nghệ sỹ” đóng vai người ăn xin trên đường phố.
Gemma Wells, 35 tuổi, bà mẹ đã có hai con nhỏ chia sẻ rằng, “tôi có người bạn làm việc trong Hội đồng địa phương và bạn tôi cho biết, số người ăn xin đổ dồn về thị trấn kể từ khi Royal Leamington Spa được truyền thông đưa tin rầm rộ là nơi hạnh phúc nhất nước Anh.

Họ coi thị trấn là nơi có thể kiếm tiền nhanh chóng từ những cư dân giàu có, tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Tôi ít khi cho người ăn xin tiền một cách trực tiếp. Khi nhìn họ ngồi trên vỉa hè, tôi luôn đặt câu hỏi, không biết liệu họ có phải là người thực sự cần sự giúp đỡ hay không”.

426 Content 45
Kêu gọi không cho tiền trực tiếp người ăn xin trên đường phố

Bà Lianne Kirkman, người đứng đầu Tổ chức từ thiện “Helping Hands” kêu gọi mọi người không cho người ăn xin tiền mặt vì thực tế cho thấy, không ít người ăn xin đã dùng tiền để mua ma túy và rượu.

Bà Lianne Kirkman cho hay, bà đã làm việc với nhiều người vô gia cư, người ăn xin trên đường phố, trong đó có cả những người nghiện, người đã cai nghiện thành công. Chính những người này nói với bà rằng, không nên cho tiền người ăn xin trực tiếp.

“Người ăn xin có thể kiếm được 200 bảng/ngày khi ngồi trên các con phố ở Leamington. Tuy nhiên, điều đáng buồn là số tiền đó thường xuyên được sử dụng vào những việc vô bổ.

Nhiều người ăn xin đã dùng tiền để mua ma túy. Thay vì cho trực tiếp tiền mặt, hãy gửi tiền đến các tổ chức từ thiện. Chúng tôi sẽ giúp bằng cách tìm cho họ nơi trú ẩn an toàn”, bà Lianne Kirkman nói.

Bà Lianne Kirkman nói thêm rằng, trong bối cảnh xuất hiện nạn ăn xin giả, rất khó để phân biệt đâu là ăn xin thật, ăn xin giả, ai là người nghiện ma túy… Để giải quyết bài toán này, tốt nhất là người dân đừng cho bất cứ người ăn xin nào tiền mặt.

“Khi tiền được chuyển đến các tổ chức từ thiện địa phương, chúng tôi có thể tiếp tục giúp đỡ những người vô gia cư, mở rộng các dịch vụ mà chúng tôi đang cung cấp. Rất nhiều thứ sẽ được triển khai nếu những đồng tiền từ thiện được cho đi đúng địa chỉ”, bà Lianne Kirkman nói tiếp.

Cảnh sát Warwickshire cho biết đã thấy sự gia tăng đáng báo động nạn ăn xin trong khu vực. Lực lượng này đã phối hợp với các cơ quan quản lý ở địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp triển khai chiến dịch mang tên “Killing with Kindness” nhằm tuyên truyền, vận động người dân không cho tiền người ăn xin trực tiếp.

“Thời gian qua, chúng tôi cũng đã nhận được không ít báo cáo của người dân trong thị trấn về việc người ăn xin với vẻ mặt, thái độ “hung dữ và đầy hăm dọa”. Có trường hợp người ăn xin bám theo du khách để đòi bằng được tiền từ thiện”, một nhân viên Cảnh sát Warwickshire nói.

Nguồn: http://kienthuc.net.vn

Bài liên quan