Thay vì chú trọng số ca nhiễm, Anh bắt đầu thống kê số ca 'tử vong đột phá' - các trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vắc xin nhưng vẫn nhiễm và tử vong. Việc thống kê con số này giúp xác định đâu là nhóm yếu nhất cần phải được bảo vệ.
Người lớn tuổi được tiêm vắc xin AstraZeneca tại một trung tâm tiêm chủng ở Surrey, Anh, tháng 1-2021
Số liệu được Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 13-9 cho thấy từ ngày 2-1 đến ngày 2-7 năm nay có 51.281 ca tử vong liên quan COVID-19 được ghi nhận. Trong đó có 38.964 trường hợp là người chưa tiêm chủng.
ONS cũng ghi nhận 640 ca tử vong là người đã tiêm 2 liều vắc xin, bao gồm cả những người đã bị nhiễm trước khi được tiêm, chiếm khoảng 1,2% số ca tử vong vì COVID-19.
Đi sâu phân tích, ONS nhận thấy cần phải có một khái niệm mới và cơ quan này đưa ra khái niệm "tử vong đột phá" (breakthrough death) để mô tả những người đã tiêm đủ 2 liều và có kết quả dương tính ít nhất 14 ngày sau mũi tiêm cuối.
2 tuần từ mũi tiêm thứ hai là tiêu chí đang được một số quốc gia sử dụng để công nhận một cá nhân đã tiêm chủng đầy đủ. Dù đã tiêm mũi 2, nhưng chưa quá 14 ngày cũng không được tính là tiêm đầy đủ.
Tổng cộng có 256 trường hợp "tử vong đột phá" được ghi nhận ở Anh từ ngày 2-1 đến ngày 2-7. Đây cũng là giai đoạn biến thể Delta xuất hiện tại Anh và vượt qua biến thể Alpha về số ca mắc.
Khái niệm mới này dựa trên một khái niệm khác là "nhiễm đột phá", chỉ những người đã tiêm đủ liều vắc xin như khuyến cáo nhưng vẫn bị nhiễm. Phần lớn số ca nhiễm đột phá ở các nước là mắc biến thể Delta.
Phân tích sâu hơn các ca "tử vong đột phá", ONS nhận thấy có 13,1% ca "tử vong đột phá" là người suy giảm miễn dịch, 61,1% bệnh nhân là nam giới và độ tuổi trung bình là 84. Đây cũng là nhóm tuổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dễ bị tổn thương nhất trong dịch COVID-19.
Julie Stanborough, chuyên gia thuộc ONS, giải thích: "Phân tích mới của chúng tôi cho thấy điều đáng buồn là đã có những người tử vong liên quan đến COVID-19, dù họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy nguy cơ tử vong liên quan đến COVID-19 ở những người được tiêm chủng đầy đủ thấp hơn nhiều so với những người không được chủng ngừa".
Ngoài "tử vong đột phá", ONS cũng thống kê số ca tử vong ở nhóm đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin theo từng giai đoạn: trong 21 ngày sau khi tiêm và sau 21 ngày.
Kết quả cho thấy có 4.388 người chết vì COVID-19 trong vòng 21 ngày sau khi tiêm mũi 1 và 7.289 người chết do COVID-19 sau 21 ngày kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên.
Thống kê này cho thấy người dân không nên chủ quan sau khi tiêm mũi 1. Giới chuyên gia trước đó đã cảnh báo mặc dù mũi 1 đã bắt đầu tạo kháng thể, vắc xin chỉ đạt được hiệu quả bảo vệ toàn diện khi tiêm đủ 2 mũi.
Niềm tin chung là những người lớn tuổi và có bệnh nền thì dễ bị tổn thương vì COVID-19. Phần lớn các nước cũng tập trung tiêm chủng cho những nhóm này.
Việc ONS thống kê số ca "tử vong đột phá" cho thấy đâu là nhóm dễ bị tổn thương nhất và cần phải có các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn tiêm tăng cường mũi 3, nếu muốn hạn chế tử vong vì COVID-19.
Anh sẽ tiêm mũi 3 cho người trên 50 tuổi
Theo Đài BBC, Chính phủ Anh chuẩn bị đối phó với COVID-19 trong mùa đông sắp tới bằng chiến dịch tiêm tăng cường mũi 3 cho người trên 50 tuổi. Những ai đã được tiêm 2 liều từ 6 tháng trở lên sẽ được tiêm tăng cường bằng vắc xin Pfizer.
Kế hoạch chi tiết sẽ sớm được công bố sau khi giới chức Anh nhận được lời khuyên từ một ủy ban độc lập về việc nên tiêm tăng cường cho nhóm nào trước tiên.
Theo thống kê của BBC, 80% người trên 16 tuổi tại Anh đã tiêm 2 liều và gần 90% đã tiêm 1 liều.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online