Đến sáng 16/2, thế giới có trên 109,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,41 triệu người đã tử vong vì đại dịch này.
Bắt buộc cách ly tập trung đối với những người đến từ các nước có nguy cơ cao là biện pháp mới để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/2 ở Anh.
Theo đó, những người đến từ các nước có nguy cơ cao bắt buộc cách ly tập trung. Hành khách đến từ 33 nước trong "danh sách đỏ" sẽ phải cách ly 10 ngày tại các khách sạn được Chính phủ Anh chỉ định.
Chi phí cách ly mỗi người phải trả ước tính khoảng 1.750 Bảng Anh (hơn 50 triệu đồng) cho 10 ngày, bao gồm phí khách sạn, phí xét nghiệm và trả phí cho xe vận chuyển đưa đón. 16 khách sạn với gần 5.000 phòng ở Anh đã sẵn sàng cho chương trình cách ly mới này. 58.000 phòng khác đã được Chính phủ Anh xem xét dự phòng.
Quy định cách ly được áp dụng ở Anh do lo ngại về các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập đất nước. Đến nay, Anh ghi nhận trên 4,04 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm hơn 117.300 trường hợp tử vong.
Australia đã quyết định ngừng "bong bóng du lịch" với New Zealand sau khi cơ quan chức năng nước này triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 14/2. Australia hiện xếp các chuyến bay khởi hành từ New Zealand vào "vùng đỏ" trong 72 giờ, từ ngày 15/2. Theo đó, người bay từ New Zealand tới Australia sẽ phải cách ly theo dõi 14 ngày như trước khi thỏa thuận "bong bóng du lịch" mà hai bên triển khai thực hiện. Hiện Australia có 28.900 công dân mắc COVID-19 và 909 người thiệt mạng vì đại dịch này.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với trên 28,29 triệu ca mắc và hơn 497.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 34.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, trên 10,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 155.800 trường hợp thiệt mạng. Ngày 15/2, hơn 9.000 ca nhiễm mới đã được báo cáo tại Ấn Độ.
Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận hơn 5.400 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên trên 9,84 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 239.300 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Lần đầu tiên trong vòng hơn 100 năm, lễ hội Carnival tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil bị hủy do dịch COVID-19. Thay vì tổ chức trực tiếp, các đội nhảy Samba nổi tiếng ở Rio de Janeiro đã chuyển các buổi biểu diễn của họ phát trực tuyến. Hàng năm, vào thời gian này, thành phố Rio de Janeiro luôn chật cứng du khách. Carnival là lễ hội được mong chờ nhất, thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên thế giới. Đây là điểm nhấn văn hóa quan trọng của thành phố. Tuy nhiên, năm nay, quảng trường Sambadrome vắng bóng người dân và du khách.
Chính phủ Cộng hòa Czech vừa ban bố tình trạng khẩn cấp mới kéo dài 2 tuần kể từ ngày 15/2 để ứng phó với đại dịch COVID-19 đang lây lan mạnh. Theo các chính quyền địa phương, nếu Chính phủ Czech không tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp, các địa phương sẽ không có đủ thẩm quyền để thực thi những biện pháp hạn chế cần thiết nhằm kiểm soát dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế Czech, tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang xấu đi khi chỉ số rủi ro dịch bệnh trong 2 tuần qua đã tăng từ 73 lên 77, nguyên nhân là do tăng số ca lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đến nay, Cộng hòa Czech đã ghi nhận trên 1,09 triệu ca mắc COVID-19 khiến hơn 18.200 người tử vong.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã gia hạn khuyến cáo đặc biệt đối với việc du lịch nước ngoài thêm một tháng trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lây lan. Theo đó, người dân được khuyến cáo hủy hoặc hoãn các chuyến đi nước ngoài đã lên kế hoạch. Biện pháp này sẽ có hiệu lực đến ngày 17/3 tới. Khuyến cáo hiện tại được ban hành hồi tháng 12/2020, ban đầu được ấn định sẽ hết hạn trong ngày 15/2. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc buộc phải gia hạn cảnh báo đi lại trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục hạn chế người nước ngoài nhập cảnh và đình chỉ các chuyến bay quốc tế do đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Tư pháp nước này xem xét nâng mức xử phạt đối với những trường hợp trốn cách ly. Yêu cầu trên được đưa ra nhằm ứng phó với tình trạng lao động nhập cư Campuchia ồ ạt từ Thái Lan đổ về nước, nhiều người trong số này cố tình tránh cách ly tập trung 14 ngày.
Hiện mức xử phạt với những đối tượng không tuân thủ nghị định y tế về phòng tránh dịch là từ 50 USD đến 250 USD (khoảng 1,1 triệu đồng đến 5,7 triệu đồng và còn bị truy tố theo luật). Tính đến ngày 15/2, đã có khoảng 36.000 lao động Campuchia từ Thái Lan trở về nước. Trong số này, có hơn 11.000 người đã được cách ly và 89 ca mắc COVID-19.
Philippines đã phải hoãn kế hoạch mở lại rạp chiếu phim. Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque, Philippines đã quyết định dời ngày mở lại các rạp chiếu phim sang ngày 1/3 tới, thay vì ngày 15/2.
Chính phủ Philippines sẽ tiếp tục thảo luận với các chính quyền địa phương về những biện pháp an toàn phòng dịch trước khi các rạp chiếu phim có thể mở lại. Những biện pháp có thể bao gồm hạn chế số khán giả trong rạp, yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định về y tế cộng đồng.
VTV Tổng hợp