Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cáo buộc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố chung Anh – Trung về vấn đề Hong Kong.
Tờ The Guardian ngày 13-3 dẫn lời Ngoại trưởn Anh Dominic Raab cáo buộc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố chung Anh – Trung về vấn đề Hong Kong, trong bối cảnh nhiều nước chỉ trích nỗ lực thắt chặt quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với vùng lãnh thổ này.
Trong thông báo hôm 13-3, ông Raab tuyên bố Trung Quốc đang trong “tình trạng liên tục không tuân thủ” Tuyên bố chung Anh – Trung năm 1984, chỉ trích quyết định của Bắc Kinh nhằm hạn chế việc tham gia hệ thống bầu cử tại Hong Kong.
Ngoại trưởn Anh Dominic Raab. Ảnh: SKY NEWS
“Các hành động liên tiếp của Trung Quốc đồng nghĩa rằng bây giờ tôi phải tuyên bố rằng Anh coi Bắc Kinh đang trong tình trạng liên tục không tuân thủ tuyên bố chung – một minh chứng cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa lời hứa của Bắc Kinh và hành động của họ” – ông Raab tuyên bố.
Ông Raab nhấn mạnh rằng: “Đây là một phần của kế hoạch được tạo ra nhằm quấy nhiễu và làm suy yếu toàn bộ những tiếng nói phê bình các chính sách của Trung Quốc và là lần vi phạm tuyên bố chung thứ ba trong chưa đầy chín tháng”.
“Anh sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Hong Kong. Trung Quốc phải hành động phù hợp với các nghĩa vụ pháp lý và tôn trọng các quyền và tự do cơ bản ở Hong Kong” – ông Raab nói thêm.
Tuyên bố Anh – Trung được ký kết trước khi Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, trong đó gồm những điều khoản về việc Bắc Kinh phải đảm bảo nhiều quyền của Hong Kong.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Raab là phản ứng mới nhất sau khi nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 12-3 ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các cam kết của mình ở Hong Kong và chấm dứt “sự áp bức” đối với các nhà hoạt động dân chủ tại đây.
Trước đó, Quốc hội Trung Quốc hôm 11-3 đã thông qua nghị quyết về cải cách bộ luật bầu cử tại Hong Kong, trong đó đáng chú ý chỉ những “người yêu nước” mới có thể điều hành thành phố.
“Một quyết định như vậy cho thấy rõ ràng rằng giới chức trách ở Trung Quốc đại lục đang quyết tâm loại bỏ những tiếng nói và quan điểm bất đồng ở Hong Kong” – các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU) cho biết trong tuyên bố chung hôm 12-3.
Theo nghị quyết, Ủy ban bầu cử Hong Kong hiện gồm 1.200 người sẽ được thêm vào 300 người có quan điểm chính trị thân Trung Quốc. Hội đồng lập pháp Hong Kong cũng sẽ được tăng thêm từ 70 lên 90 ghế.
Một ủy ban xét duyệt tư cách ứng viên Hong Kong sẽ được lập ra, có trách nhiệm xét duyệt, phê chuẩn tư cách các ứng cử viên cho các vị trí trong hội đồng lập pháp, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong và Ủy ban bầu cử Hong Kong.
Tình hình chính trị – xã hội Hong Kong là một vấn đề nóng trong năm 2020. Trung Quốc đã thông qua luật an ninh dành riêng cho Hong Kong, dấy lên sự phản đối của phương Tây và một bộ phận người dân đặc khu vì cho rằng luật mới sẽ làm xói mòn tiến trình dân chủ ở vùng lãnh thổ này.
Nguồn: PLO