Anh-Đức-Pháp ra Tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông

Nhiều nước hôm 29/8 ra tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại về những căng thẳng gần đây trên Biển Đông, kêu gọi giải quyết bất đồng một cách hòa bình.

Tuyên bố chung của Anh, Đức và Pháp hôm 29/8 bày tỏ lo ngại đặc biệt về tình hình căng thẳng gần đây tại Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: 

Chúng tôi lo ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn đến bất ổn an ninh trong khu vực.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước trong khu vực đưa ra các bước đi và biện pháp giảm căng thẳng, đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trong đó có việc đảm bảo quyền của các nước ven biển đối với khu vực hải phận của họ, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

132 1 Anh Duc Phap Ra Tuyen Bo Chung Bay To Lo Ngai Ve Tinh Hinh Bien Dong

(Ảnh minh họa của CCO)

Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng phổ biến Công ước, vốn đặt ra trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó mọi hoạt động ở các vùng biển, bao gồm cả ở Biển Đông, phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải.

Pháp, Anh và Đức cũng hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử  trên Biển Đông ( COC), dựa trên các quy tắc, hợp tác hiệu quả, phù hợp với UNCLOS 1982 ở Biển Đông; khuyến khích các bước tiến để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc này.

Ấn Độ hôm 29/8 cũng kêu gọi các nước giải quyết căng thẳng tại Biển Đông một cách hòa bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định, Biển Đông là một phần trong lợi ích chung toàn cầu. Do đó, Ấn Độ cũng được hưởng lợi ích đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải , hàng không và các hoạt động thương mại hợp pháp trong hải phận quốc tế, phù hợp với các luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển.

Ông Kumar cũng khẳng định, bất đồng cần phải được giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng tiến trình pháp lí và ngoại giao, tránh việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực./.

Nguồn: VOV.VN

Bài liên quan