Thủ tướng Boris Johnson tính toán những gì qua quyết định đình chỉ hoạt động của Nghị Viện Anh trong 5 tuần lễ, một thời hạn dài bất thường?
Biểu tượng của nền dân chủ lâu đời này tại châu Âu sẽ làm việc trở lại hai tuần trước ngày nước Anh chính thức phải chia tay với Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson bị các nghị viên chỉ trích nặng nề vì quyết định đình chỉ hoạt động của Nghị Viện trong 5 tuần lễ
Các nghị sĩ Anh lên án Boris Johnson "tiến hành một cuộc đảo chính", "vi phạm Hiến Pháp", hay nhẹ ra thì cũng là "bịt miệng" Nghị Viện trên một hồ sơ quan trọng đối với tương lai của nước Anh là Brexit.
Những cáo buộc trên không hoàn toàn đúng. Bởi thông thường hàng năm, hai đảng chính tại Anh Quốc vẫn tổ chức đại hội vào giữa tháng 9 và trong thời gian đó, Nghị Viện Anh ngưng hoạt động khoảng ba tuần. Thêm vào đó, mỗi nội các mới cũng thường đình chỉ hoạt động của Nghị Viện trên dưới một chục ngày để hoạch định chính sách mới.
Điểm đáng chú ý là lần này thủ tướng Boris Johnson đã cho Nghị Viện "tạm nghỉ" lâu hơn thông lệ. Một khi hoạt động trở lại vào ngày 14/10/2019, cơ quan lập pháp Anh sẽ chỉ có hai tuần để thảo luận về tiến trình Brexit trước hạn chót là ngày 31/10/2019 để Luân Đôn chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy nhiên, qua quyết định mạnh mẽ này, thủ tướng Anh muốn gửi đi nhiều thông điệp. Thứ nhất, về tình hình chung của nước Anh, ông cần thời gian để phác họa chính sách chung, từ kinh tế đến chính sách xã hội, y tế … Thứ hai, liên quan đến Brexit, Boris Johnson cần thời gian để đàm phán lại với Liên Âu, bởi tới nay, Luân Đôn và Bruxelles vẫn còn nhiều bất đồng, đặc biệt là về đường biên giới giữa Cộng Hòa Ailen vẫn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và Bắc Ailen một phần lãnh thổ của Vương Quốc Anh.
Điểm thứ ba, có lẽ là ông Boris Johnson rút được kinh nghiệm Nghị Viện đã ba lần bác bỏ kế hoạch Brexit mà người tiền nhiệm của ông là bà Theresa May đưa ra, để rồi Brexit đi vào bế tắc. Vì thế, thủ tướng Johnson cố tình thu hẹp những cuộc thảo luận không có hồi kết ở Nghị Viện về Brexit. Nếu giả thuyết này được kiểm chứng thì có nghĩa là kịch bản một "Brexit No Deal" đang cận kề.
Cuối cùng, cũng có thể là thủ tướng Anh cố tình trêu tức các nghị sĩ để rồi các đảng phái chính trị Anh liên kết với nhau lật đổ chính phủ. Cần nhắc lại là Đảng Bảo Thủ hiện chiếm đa số tuyệt đối ở Nghị Viện với vỏn vẹn 1 lá phiếu. Ý thức được thế khập khiễng của nội các, Boris Johnson muốn Anh Quốc tổ chức bầu cử trước thời hạn. Ông đang cần có được một đa số rộng rãi, bất luận đó là đa số ủng hộ hay chống Brexit.
Có điều, quyết định vừa qua của thủ tướng Anh cho thấy quan hệ giữa nội các Johnson với Nghị Viện đang xấu đi chưa từng thấy. Nghị Viện, biểu tượng của nền dân chủ Anh, đang bị hồ sơ Brexit và nhất là chính khách có lối hành xử khác người này thách thức.
Nguồn: Thanh Hà/ RFI