Với việc Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư chính thức được ban bố hôm 29/4, Anh hy vọng sẽ chặn đứng việc rò rỉ công nghệ sang Trung Quốc.
Đạo luật mới của Anh yêu cầu các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có liên quan tới nước ngoài trong 17 lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử, truyền thông, quốc phòng và năng lượng, phải được thông báo trước tới chính phủ.
Bất kỳ giao dịch nào có nguy cơ tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia đều có thể bị chính phủ Anh ngăn chặn. Trong trường hợp vi phạm, các công ty sẽ bị phạt 5% doanh thu hoặc 13,8 triệu USD.
Chính phủ Anh dự kiến sẽ xem xét các giao dịch tiềm năng trong vòng 30 ngày làm việc.
Anh dùng mọi cách có thể để ngăn rò rỉ công nghệ vào tay Trung Quốc. |
Bộ trưởng phụ trách Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh, ông Oliver Dowden cho hay: "Chúng tôi muốn hỗ trợ ngành công nghiệp công nghệ của Vương quốc Anh phát triển mạnh và hoan nghênh đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, chúng tôi cần phải xem xét các tác động an ninh quốc gia đối với các giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp từ nước ngoài". Hồi năm 2020, chính phủ Anh đã quyết định cấm thiết bị của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies khỏi các cơ sở hạ tầng mạng không dây 5G.
Một sự dự luật bảo mật truyền thông khác cũng đang được thảo luận tại quốc hội nước này. Cụ thể, dự luật này sẽ phạt các nhà cung cấp viễn thông tới 1/10 doanh thu của họ nếu sử dụng các thiết bị của Huawei.
Nỗ lực ngăn chặn tình trạng rò rỉ công nghệ vào tay Trung Quốc tại Mỹ diễn ra còn quyết liệt hơn ở Anh khi Bộ Tư pháp Mỹ và một số cơ quan khác còn cáo buộc, không chỉ công nghệ mà mọi lĩnh vực đều đang bị các công ty Trung Quốc nhòm ngó.
Các quan chức FBI cho biết nhiều công ty không thấy được những thiệt hại về lâu dài mà họ gây ra cho mình bằng cách bàn giao những công trình R&D tốn kém cho đối tác Trung Quốc với giá thấp, để đạt được hứa hẹn kinh doanh tại đây.
Những công ty này có khả năng sẽ không thể mở nhà máy sản xuất trong tương lai do nạn trộm cắp công nghệ, trong khi đó, tất cả công ty Trung Quốc lại nhận được giúp đỡ từ Bắc Kinh thông qua trợ cấp hoặc các chương trình khác của chính phủ.
Không dừng ở đó, hành vi trộm cắp IP (sở hữu trí tuệ) diễn ra cả trong lĩnh vực kinh doanh, các ngành nghiên cứu của Mỹ, do sự cởi mở, môi trường ít điều chỉnh, bên cạnh sự phong phú trong các công nghệ tiên tiến.
Tháng trước, trưởng khoa Hóa học và Sinh Hóa tại Đại học Harvard bị buộc tội nói dối trong việc tham gia Kế hoạch Nghìn Nhân Tài của Trung Quốc.
"Đây là một trong những kế hoạch tuyển dụng nhân tài nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Các chương trình được tổ chức nhằm thu hút tài năng và chuyên gia nước ngoài mang kiến thức, kinh nghiệm đến Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia này. Ngoài ra, chính quyền còn thưởng cho những cá nhân đánh cắp được các thông tin độc quyền", Bộ Tư Pháp cho biết.
Giới chức Mỹ lo sợ những công trình nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ được thực hiện tại Harvard có thể đã bị chiếm hữu bởi chính phủ Trung Quốc. Một số trường hợp khác lại liên quan đến sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đánh cắp dữ liệu độc quyền. Nhóm sinh viên này tự hành động hoặc được tình báo Trung Quốc tuyển dụng.
Mỹ khẳng định Trung Quốc khuyến khích trộm cắp IP từ nước ngoài và có cả hệ thống để thưởng cho những hành vi này.
Thanh Hà
Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT