Anh: Hàng loạt giảng viên và nhân viên đại học đình công

Các trường đại học trên khắp Vương quốc Anh đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn hoạt động. Hàng chục nghìn giảng viên và nhân viên đình công để phản đối việc cắt giảm lương, tăng chi phí lương hưu và điều kiện làm việc tồi tệ.

 

132 1 Anh Hang Loat Giang Vien Va Nhan Vien Dai Hoc Dinh Cong

Người biểu tình tại Trường ĐH College LondonNgười biểu tình tại Trường ĐH College London

Cuộc đình công thứ 2 trong gần 2 năm

Các nhà lãnh đạo công đoàn tại nước này tuyên bố, cuộc đình công sẽ kéo dài 8 ngày. Đồng thời cho hay, việc gián đoạn cũng có thể sẽ được tiếp tục vào năm mới, nếu nhu cầu của nhân viên không được đáp ứng.

Cuộc biểu tình có sự tham gia của hơn 40.000 giảng viên, nhân viên đến từ 60 trường ĐH Anh. Bên cạnh đó, Liên minh ĐH và CĐ (UCU) cũng khẳng định đang đàm phán với các tổ chức khác về việc được bỏ phiếu một lần nữa để đình công vào năm mới. Các cuộc biểu tình lớn cũng đang diễn ra tại các thành phố: Newcastle trên sông Tyne, Bristol và Manchester.

Trước bối cảnh này, bà Angela Rayner – Bộ trưởng GD Anh, đã chấm dứt cuộc đình công của nhân viên và SV tại Trường ĐH Manchester khi đưa ra cam kết sẽ “giải quyết những bê bối tham nhũng của các nhà lãnh đạo, trong khi nhiều người dân đang phải trông cậy vào ngân hàng thực phẩm, điều này hoàn toàn kinh tởm và ô nhục”.

Bên cạnh đó, bà Rayner cũng nhấn mạnh: “Bạn sẽ không cần phải đình công, vì tôi sẽ làm việc với bạn chứ không phải chống lại bạn”.

Bên ngoài Trường ĐH Manchester – một trong những tổ chức học thuật lớn nhất Anh, nhiều người trong số 2.200 thành viên UCU xếp hàng dài biểu tình, còn SV mang theo những biểu ngữ chỉ trích mức lương 260.399 bảng mà nhân viên nhận được.

Trước tình hình này, bà Kate Green, chính trị gia của Công đảng Anh đã kêu gọi bà Nancy Rothwell, Chủ tịch kiêm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Manchester, lắng nghe những yêu cầu của nhân viên.

Phát biểu với truyền thông, ông Seth Schindler, một giảng viên cao cấp về phát triển đô thị và từng được bà Rothwell bổ nhiệm làm Giáo sư kinh tế danh dự năm 2017, cho biết: “Trường ĐH đang cướp đi lương hưu của chúng tôi trong khi đầu tư hàng triệu bảng vào các giao dịch bất động sản.

Họ đang thuê địa điểm để làm các nhà hàng trong khi tuyên bố rằng không có đủ tiền để trả lương hưu hoặc trả lương một cách công bằng cho phụ nữ và nhân viên là dân tộc thiểu số”.

Trong khi đó, bà Wendy Bottero, người đã giảng dạy xã hội học ở Trường ĐH Manchester từ năm 2005, tuyên bố: “Chúng tôi không phản đối nếu họ đầu tư vào các tòa nhà và vẫn đầu tư vào nhân viên. Việc đầu tư vào nhân viên đã giảm xuống mức thấp nhất và họ đã không giữ lời hứa về lương hưu. Lương hưu của tôi sẽ giảm một nửa nếu theo như kế hoạch hiện tại”.

Mong muốn yêu cầu được đáp ứng

Bên ngoài tòa nhà Williamson, Julia Horn, một trợ giảng tội phạm học, cho biết, hợp đồng lao động nhà trường ký với cô không hề có sự bảo đảm, khi cô chỉ làm việc 6 giờ/tuần, 20 tuần/năm.

“Gần đây tôi đã bị từ chối thẻ tín dụng vì điều đó. Nếu tôi phải trả một khoản thế chấp, thì bây giờ tôi đã bị lấy lại nhà. Tôi biết một đồng nghiệp đang phải sống trong khu vườn của mẹ cô ấy, vì cô ấy không đủ khả năng để sống ở bất cứ nơi nào khác”, Horn nói.

Ông Rhodri Jerrett, một giảng viên về địa chất, cho biết điều kiện làm việc tồi tệ khiến phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn. “Thông thường, các nhân viên học thuật sẽ được ký hợp đồng ngắn hạn. Vì vậy, việc lập gia đình sẽ vô cùng khó khăn.

Bạn phải hy sinh rất nhiều. Bạn phải làm việc nhiều giờ hơn so với hợp đồng. Chắc chắn là một người đàn ông sẽ dễ dàng hơn nhiều, vì vào thời điểm khi bạn chuyển từ nghiên cứu tiến sĩ sang học giả cũng chính là lúc phụ nữ bắt đầu nghĩ về việc lập gia đình và sinh con”.

Sarah Darley, một nghiên cứu viên tại trường khoa học sức khỏe, cho biết cô được ký hợp đồng có thời hạn lần thứ 4 kể từ khi hoàn thành bằng tiến sĩ vào năm 2016.

“Thậm chí là sau 12 tháng bạn sẽ phải tìm một công việc mới. Bạn không thể lập kế hoạch cho tương lai. Trường ĐH nói rằng, họ rất quan tâm đến phúc lợi của nhân viên, nhưng điều duy nhất họ nên làm để cải thiện phúc lợi chính là cho chúng tôi một công việc được bảo đảm hơn”.

Phát biểu với truyền thông, bà Jo Grady – Tổng Thư ký UCU – cho biết: “Chúng tôi đã nhận được nhiều ủng hộ vững chắc về việc đình công trên khắp Vương quốc Anh. Sự hỗ trợ này gửi một thông điệp rõ ràng đến các trường ĐH rằng, nhân viên sẽ không chịu sự cắt giảm lương, tăng chi phí lương hưu hoặc điều kiện làm việc tồi tệ. Chúng tôi đồng ý với bà Angela Rayner rằng, các trường ĐH nên đặt SV lên hàng đầu và đưa ra cho chúng tôi những đề nghị tốt hơn, nhằm tránh sự gián đoạn hơn nữa”.

Cũng theo UCU, cải cách lương hưu có nghĩa là nhân viên ĐH sẽ đóng thêm khoảng 40.000 bảng vào lương hưu của họ nhưng nhận được ít hơn gần 200.000 bảng khi nghỉ hưu.

Trước bối cảnh này, các nhà lãnh đạo ĐH khẳng định đang làm mọi việc có thể để giảm thiểu sự gián đoạn trong học tập đối với hàng triệu SV bị ảnh hưởng bởi đình công; đồng thời, kêu gọi công đoàn tiếp tục đàm phán để tìm ra giải pháp.

Đây là lần đình công rộng rãi thứ 2 của nhân viên và giáo viên tại các trường ĐH Anh trong vòng chưa đầy 2 năm. Vào tháng 2 năm ngoái, 64 trường ĐH nước này đã bị ảnh hưởng bởi 14 ngày đình công phản đối thay đổi trong chương trình trợ cấp hưu bổng của các trường ĐH (USS).

Nói về vấn đề này, đại diện USS tuyên bố, các tổ chức GDĐH tại nước này đang nỗ lực hết sức có thể để bảo đảm SV sẽ không phải chịu thiệt thòi. “Tài liệu học tập trực tuyến, thư viện và dịch vụ hỗ trợ SV sẽ vẫn có sẵn trong suốt thời gian này, tạo điều kiện cho SV tự học”, thông báo từ USS nói.

Theo Vân Huyền

The Guardian; The Independent

 

Bài liên quan