Đảng Lao động đã đưa ra tuyên ngôn tranh cử năm 2019, với khẩu hiệu It’s Time For Real Change. Tuyên ngôn đề ra các chính sách mà đảng này sẽ áp dụng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Sau đây là 12 thay đổi chính sách quan trọng mà Đảng Lao động đang theo đuổi.
1. Tăng ngân sách y tế lên 4,3%
Đảng Lao động cũng muốn cắt giảm các nguồn cung cấp tư nhân trong NHS.
Mức tăng 4,3% mỗi năm là mức cao nhất mà các chuyên gia lĩnh vực chính sách y tế kêu gọi. Đảng Lao động cũng sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền để bù đắp cho chi phí thuốc men, nha khoa cơ bản và phí đỗ xe của bệnh viện.
Một phần quan trọng khác bao gồm kế hoạch cắt giảm các nguồn cung cấp tư nhân trong NHS, hiện chiếm khoảng 7% ngân sách y tế ở England. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng thuê ngoài, ví dụ cho vật lý trị liệu và sức khỏe cộng đồng.
Chính sách này chỉ được áp dụng cho England, nhưng các lãnh thổ khác thuộc UK cũng sẽ được hưởng lợi từ nguồn tài trợ công.
2. Tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit
Đảng Lao động sẽ đàm phán lại một thỏa thuận Brexit mới trong vòng ba tháng. Và trong vòng sáu tháng, Đảng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về các thỏa thuận hoặc khả năng ở lại EU.
Đảng Lao động hứa sẽ đàm phán lại một thỏa thuận Brexit mới trong vòng ba tháng, dựa trên một liên minh hải quan Anh-EU mới và đóng cửa liên kết thị trường duy nhất của EU. Thỏa thuận này cũng sẽ cho phép các công dân EU hiện sống và làm việc tại Vương quốc Anh quyền được ở lại mà không cần nộp lại hồ sơ. Sau đó, thỏa thuận sẽ được đưa ra trong một cuộc trưng cầu dân ý, song song với lựa chọn ở lại EU.
Lao động muốn kêu gọi ý kiến của cả hai phe, Leavers (Ra đi) và Remainers (Ở lại), và để cho người dân được quyền đưa ra quyết định cuối cùng.
Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.
3. Tăng mức lương tối thiểu từ £8,21 lên £10
Chính sách tăng mức lương tối thiểu, được gọi là National Living Wage, sẽ áp dụng cho tất cả những người lao động trên 25 tuổi.
Đảng Bảo thủ đã tuyên bố mức lương tối thiểu sẽ tăng lên 10,50 bảng trong sáu năm tới. Lao động hiện đang đưa ra lời hứa hẹn hấp dẫn hơn, tuyên bố tất cả người lao động trên 16 tuổi sẽ nhận được 10 bảng một giờ ngay trong năm sau. Đó là một nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề nghèo đói đang gia tăng.
Đảng Lao động cũng hứa hẹn các biện pháp bổ sung để tăng cường quyền của người lao động, bao gồm tiền lương thai sản và thời gian thai sản dài hơn, và trợ cấp khi người thân qua đời.
Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.
4. Ngừng tăng độ tuổi nhận lương hưu nhà nước
Tuổi nghỉ hưu vẫn sẽ ở mức 66 trong khi tuổi nghỉ hưu đối với những người làm công việc nặng nhọc và áp lực cao sẽ được xem xét thêm.
Theo tính toán của chính phủ cách đây không lâu, những người lao động dưới 30 tuổi không thể nhận được tiền lương hưu nhà nước cho đến khi họ tròn 70 tuổi.
Thế nên, chính sách ngừng tăng độ tuổi này sẽ tiêu tốn nhiều hơn hàng tỷ bảng Anh so với hầu hết các kế hoạch gần đây, như tăng tuổi cho nam và nữ lên 68 vào năm 2039. Tuy nhiên, nó rõ ràng sẽ được các cử tri trung niên ủng hộ.
Hiện tại, các đảng lớn đều nhắm vào ba cam kết chính đối với cử tri hưu trí: tính lương hưu nhà nước hàng năm theo mức thu nhập trung bình cao nhất, theo mức chi phí sinh hoạt, hoặc cố định ở mức 2,5%. Ngoài ra còn có các chính sách riêng cho các nhóm người cụ thể. Những người được gọi là thế hệ phụ nữ Waspi - sinh ra trong những năm 1950 và bị thay đổi tuổi hưu "bất ngờ" – được hứa hẹn sẽ nhận được bồi thường.
Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.
5. Giới thiệu Dịch vụ Chăm sóc Quốc gia
Cung cấp hỗ trợ "dựa vào cộng đồng, tập trung vào con người", bao gồm chăm sóc cá nhân miễn phí.
Kế hoạch Dịch vụ Chăm sóc Quốc gia toàn diện của Đảng Lao động rất táo bạo. Câu hỏi đặt ra sẽ là vấn đề chi phí. Đó không chỉ là về khả năng tài chính hiện tại, mà còn là mức chi phí khi dân số già đi. Trọng tâm của chính sách này là dịch vụ chăm sóc cá nhân miễn phí cho những người lớn tuổi cần giúp đỡ trong các công việc hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo và thuốc men.
Hệ thống này đã được áp dụng ở Scotland. Nhưng tại England, ý tưởng này từng bị chính Đảng Lao Động phản đối cách đây 20 năm vì quá tốn kém.
Ngoài ra, Đảng này còn hứa sẽ tăng gấp đôi số lượng người được nhận giúp đỡ, như vậy sẽ giúp giảm áp lực lên NHS. Kế hoạch thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe thường bị các đảng phái chính trị đá qua đá lại như trái bóng, do đó đây sẽ là thách thức lớn đối với Lao Động.
Chính sách này sẽ chỉ áp dụng cho England.
6. Đặt mục tiêu giảm lượng khí thải về 0
Mục tiêu là đến những năm 2030, đưa Vương quốc Anh đi đúng hướng đưa lượng khí thải carbon về 0.
Tuy nhiên, đây không phải là cam kết cắt hoàn toàn khí thải vào năm 2030 như nhiều nhà hoạt động mong muốn (và Đảng Xanh đã hứa). Thay vào đó, tuyên ngôn chỉ nói là sẽ cố gắng ''giảm phần lớn khí thải'' vào năm 2030.
Mặt khác, nó đề cập đến việc đưa Vương quốc Anh "đi đúng hướng để đạt tới một hệ thống phát thải năng lượng carbon bằng 0 trong những năm 2030". Có lẽ thời lượng đủ lớn để đạt được mục tiêu cắt giảm hoàn toàn vào năm 2040 - sớm hơn 5 năm so với năm mục tiêu của đảng Dân chủ Tự do và sớm hơn 10 năm so với đảng Bảo thủ.
Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh
7. Quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chủ chốt
Đảng Lao động sẽ quốc hữu hóa sáu công ty năng lượng lớn, National Grid, ngành công nghiệp nước, Royal Mail, đường sắt và nhánh băng thông rộng của BT.
Tuyên ngôn của Labour là một trong những đề xuất cải cách triệt để nhất về việc sở hữu và điều hành các doanh nghiệp. Nó sẽ đánh dấu sự tiếp quản quyền sở hữu lớn nhất của nhà nước kể từ khi quốc hữu hóa xảy ra vào Thế chiến thứ hai.
Những công ty mà đảng Lao động không muốn sở hữu cũng sẽ phải đối mặt với một sự thay đổi lớn trong cách giám sát của chính phủ.
Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.
8. Loại bỏ Universal Credit
Bắt đầu nghiên cứu một một hệ thống trợ cấp mới để thay thế hệ thống đang gây tranh cãi.
Kế hoạch của đảng Lao động là loại bỏ Universal Credit. Tuy nhiên, đảng không nói họ sẽ thay thế nó bằng thứ gì. Universal Credit ban đầu được áp dụng để giải quyết những phức tạp và không công bằng của hệ thống trợ cấp hiện hành. Nhưng nhiều thay đổi đi kèm với nó dẫn đến các biện pháp thắt lưng buộc bụng như mức trần trợ cấp.
Đảng Lao động cho biết họ sẽ bắt đầu thực hiện các ý tưởng cho một hệ thống mới ngay lập tức, nhưng sẽ mất nhiều năm để hệ thống có thể thực sự đi vào hoạt động.
Chính sách này sẽ được áp dụng trên toàn Vương quốc Anh.
9. Hủy bỏ ưu đãi miễn thuế cho trường tư
Ngoài ra còn có kế hoạch bãi bỏ học phí và tài trợ sinh hoạt phí cho sinh viên nghèo.
Chính sách gây tranh cãi về việc lọai bỏ các trường tư thục, được bỏ phiếu thông qua tại hội nghị, hiện đang được tạm dừng. Nhưng đảng Lao động cam kết sẽ chấm dứt ưu đãi miễn thuế cho trường tư.
Cam kết quan trọng nhất, như hồi năm 2017, là bãi bỏ học phí. Các trường đại học lo lắng rằng cam kết này sẽ khiến họ phải chịu áp lực nếu nguồn tài chính công bị thắt chặt. Bãi bỏ học phí sẽ có lợi nhất cho những sinh viên giàu. Trợ cấp sinh hoạt phí sẽ được khôi phục cho những sinh viên nghèo nhất. Chi phí kết hợp ước tính khoảng 12 tỷ bảng mỗi năm.
Chính sách này sẽ chỉ áp dụng cho England.
10. Xe buýt miễn phí cho người dưới 25 tuổi
Đảng Lao động cũng sẽ đưa đường sắt quay trở về sở hữu công cộng.
Đảng Lao động nói rằng họ sẽ đưa đường sắt trở lại sở hữu công cộng sau khi nhượng quyền thương mại đường sắt hiện tại hết hạn. Tuy nhiên, họ không rõ ai sẽ sở hữu đường sắt và chịu trách nhiệm các chi phí liên quan.
Các loại tàu lửa dùng chế độ Driver Only Operation (DOO) cũng sẽ bị ngừng do tình trạng đình công của nhân viên ngành đường sắt đã gây nhiều gián đoạn cho hệ thống. (DOO nghĩa là trên tàu chỉ có lái tàu quyết định việc đóng mở cửa và rời khỏi platform, mà không có nhân viên an ninh đảm bảo an toàn cho khách khi lên xuống).
Hệ thống xe buýt sẽ lại nằm dưới sự kiểm soát của hội đồng và hàng ngàn tuyến đường đã bị cắt sẽ được khôi phục. Xe buýt miễn phí cũng được hứa hẹn áp dụng cho những người dưới 25 tuổi.
Xe buýt miễn phí cho những người dưới 25 tuổi chỉ áp dụng ở England, trong khi các dự án cơ sở hạ tầng và tái quốc hữu hóa sẽ được áp dụng trên toàn Vương quốc Anh.
11. Trao cho công dân EU quyền lưu lại Anh
Điều đó có nghĩa là công dân EU ở Anh không còn phải nộp đơn xin được tiếp tục sống và làm việc tại quốc gia này.
Lộ trình Định cư là chính sách được chính phủ Bảo thủ đề ra để chính thức hóa quyền tiếp tục sống và làm việc tại Vương quốc Anh của công dân EU sau Brexit. Các bộ trưởng tuyên bố hệ thống này đang hoạt động tốt với khoảng 2,45 triệu hồ sơ nhận được tính đến hiện tại.
Nhưng con số này có nghĩa là gần một triệu công dân EU vẫn chưa đăng ký, gây lo ngại rằng những người gặp khó khăn trong việc chứng minh rằng họ đã ở Anh có thể có nguy cơ bị trục xuất. Đề xuất của Đảng Lao động sẽ chấm dứt nỗi lo lắng và tình trạng không chắc chắn cho các công dân EU ở Anh, nhưng nó có thể gây khó khăn cho nhân viên biên giới sau Brexit trong việc phân biệt giữa những người đã sống ở Anh và những người mới đến.
Chính sách này sẽ áp dụng cho toàn bộ Vương quốc Anh.
12. Xây dựng 100.000 nhà hội đồng mỗi năm
Lời hứa sẽ xây dựng 100.000 căn nhà hội đồng và 50.000 nhà ở xã hội mỗi năm cho đến hết nhiệm kỳ 5 năm của Chính phủ đánh dấu một sự thay đổi to lớn. Bởi suốt 40 năm nay chưa có Đảng nào làm được như vậy.
Dân số Vương quốc Anh đang già đi và một phần năm dân số bị khuyết tật, vì vậy cấu trúc nhà được đề xuất sẽ phải đối mặt với sự thẩm định và giám sát chặt chẽ.
Chính sách này sẽ chỉ áp dụng cho England.
Nguồn: BBC