Anh: Hàng ngàn người có thể mất việc vì Brexit

Đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô ở Anh quốc đã giảm đáng kể do ảnh hưởng bởi Brexit. Khả năng nhiều công ty ô tô sẽ ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Anh để chuyển sang nước khác. Các nhà sản xuất ô tô đã cảnh báo có khả năng hàng ngàn công nhân có nguy cơ mất việc làm nếu những nhà máy ô tô ở Anh ngừng sản xuất.

132 1 Anh Hang Ngan Nguoi Co The Mat Viec Vi Brexit

Nhà máy Sunderland của Nissan ở Anh.

Mới đây, báo cáo phát triển bền vững hàng năm của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô và thương nhân (SMMT) là hiệp hội thương mại cho ngành công nghiệp ô tô Vương quốc Anh, cho biết việc sản xuất xe hơi đã đạt mức tăng trưởng thứ 8 liên tiếp với doanh thu kỷ lục 82 tỷ bảng, tăng 5,3% và tăng trưởng việc làm 2,8%, mặc dù sản lượng giảm 4% (giảm 1,75 triệu xe).

Hơn 850.000 người được tuyển dụng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Anh. Trong đó, nhà máy Sunderland của Nissan sử dụng 7.000 người, sản xuất nửa triệu xe một năm, chiếm 1/3 tổng số xe của hãng; Rolls Royce và Mini đều thuộc sở hữu của tập đoàn BMW, có 9.000 nhân viên ở bốn địa điểm khác nhau ở Vương quốc Anh,...

Tuy nhiên, SMMT cho biết số tiền dành cho các mô hình, thiết bị và cơ sở mới đầu tư vào ngành sản xuất ô tô tại nước Anh đã giảm gần một nửa, từ 647,4 triệu bảng trong nửa đầu năm 2017 xuống còn 347,3 triệu bảng (tương đương 461 triệu USD), con số thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Trước tình hình trên, SMMT kêu gọi Chính phủ Anh tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trước các quyết định sắp tới về các mô hình mới và "chấm dứt sự không chắc chắn hiện tại về mối quan hệ tương lai của Anh với EU" bằng cách cam kết tiếp tục là thành viên của liên minh thuế quan. Giám đốc điều hành Mike Hawes cho biết: "Con số trên cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô đối với nền kinh tế Anh".

Phát biểu tại Paris Motor Show vừa qua, đại diện Toyota tại châu Âu, ông Johan van Zyl cho biết có thể công ty sẽ ngừng sản xuất ô tô tại nhà máy ở Burnaston ở vùng trung du phía đông nước Anh. Nhà máy của Toyota ở đây rộng lớn để sản xuất ô tô cho cả châu Âu.

"Nếu Anh rời khỏi EU, chúng tôi không xuất khẩu xe sang cho thị trường châu Âu được, và thị trường Anh thì không đủ lớn để tiêu thụ hết số xe sản xuất ra, nó sẽ có tác động không tốt đến tương lai của nhà máy". Ông giải thích: "Lý do mà nhiều nhà sản xuất chọn Anh là vì họ có thể xuất khẩu miễn thuế sang thị trường châu Âu".

Hãng xe hơi BMW (Đức) cảnh báo, trước tác động của Brexit các hãng xe hơi có thể di chuyển sản xuất sang nước khác, vì khó có thể nhập linh kiện một cách nhanh chóng và nhiều vấn đề khác.

Vào hồi tháng 6-2018, đại diện của nhà chế tạo ô tô BMW tại nước Anh, Ian Robertson cho biết BMW không xem xét tới phương án rời địa điểm sản xuất ra khỏi Vương quốc Anh, bất chấp sự thiếu chắc chắn liên quan đến vấn đề Brexit. 

Tuy nhiên, mới đây, hãng xe BMW đã công bố nhà máy sản xuất loại xe mini tại Oxford sẽ đóng cửa từ ngày 01/4/2019 - vài ngày sau khi Anh rời khỏi khối EU (29/3/2019). Khoảng 60% trong số 378.000 xe Mini do BMW sản xuất, năm ngoái đã ngừng sản xuất tại Oxford.

Còn hãng xe Jaguar Land Rover đã đưa ra những cảnh báo liên quan đến những thỏa thuận Brexit sẽ khiến công ty mất hàng tỷ USD và gây ra những hiểm họa cho các khoản đầu tư trong tương lai tại Anh. Ralf Speth, người đứng đầu Jaguar Land Rover, lo ngại công việc của nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Anh có thể trì hoãn và cho biết hàng chục ngàn việc làm có thể bị mất. 

Ông cho biết, quyết định về việc sản xuất xe điện ở Anh đã bị trì hoãn "bởi vì chúng tôi lo ngại về cái gọi là "Brexit cứng", nơi Anh sẽ rời khỏi khối mà không có một thỏa thuận thương mại với EU. Ông kêu gọi chính phủ Anh khẩn trương cung cấp "sự chắc chắn cho doanh nghiệp", bao gồm cả việc đảm bảo miễn thuế và thương mại không xung đột lợi ích với Liên minh châu Âu.

Anh vẫn là thị trường lớn thứ ba của Đức và là đối tác thương mại lớn thứ năm, theo số liệu thống kê do Hiệp hội các phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK) công bố. DIHK cho biết, nhiều công ty nước này bắt đầu chuyển hướng đầu tư khỏi Anh, vì sợ rào cản thương mại tăng.

"Rất nhiều thành viên DIHK cho biết sẽ chuyển hướng đầu tư khỏi Anh do lo ngại tác động tiêu cực từ Brexit. Cụ thể, Brexit sẽ làm tăng thêm các thủ tục hành chính và quy định kiểm soát ở biên giới. Vì thế, chi phí của các công ty bị đội lên", Giám đốc DIHK Martin Wansleben giải thích.

Brexit cũng chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng và công ty bảo hiểm đặt tại Anh đang di chuyển khỏi London, nhằm duy trì quyền tiếp cận với khối thị trường chung châu Âu.

Không riêng gì các hãng xe ô tô, mà ngay cả Airbus và Siemens cũng dọa sẽ rút một số hoạt động ra khỏi Anh khi nước này rời khỏi EU. Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus cảnh báo, hãng này sẽ rút khỏi Anh trong trường hợp nước này rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào. 

Phó chủ tịch của Tập đoàn Airbus Katherine Bennett cho biết: "Nếu không có thỏa thuận, chúng tôi sẽ phải xem xét kế hoạch đầu tư một cách nghiêm túc vào Anh. "Brexit không thỏa thuận" sẽ là một thảm họa đối với nước Anh cũng như Airbus". Theo Airbus, hiện có hơn 10.000 lao động làm việc trong hai nhà máy của hãng tại Anh. Giám đốc sản xuất máy bay Airbus Tom Williams cảnh báo rằng nếu Anh rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận sẽ "trực tiếp làm ảnh hưởng đến tương lai của Airbus ở Anh".

Trước tình hình trên, Thủ tướng Theresa May khẳng định nước Anh sẽ áp dụng mức thuế suất doanh nghiệp thấp nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ngoài ra, Anh còn khởi động hệ thống nhập cư mới để bảo đảm cho các doanh nghiệp có thể thu hút những nhân tài sáng giá nhất. 

Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng cũng cảnh báo rằng, việc cắt giảm lao động có tay nghề thấp của Chính phủ Anh sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với các ngành điều dưỡng, xây dựng, chế biến thực phẩm và khách sạn.

Điều đáng chú ý là trong chính sách nhập cư mới được Anh đưa ra sẽ không có ưu tiên đặc biệt nào cho các công dân EU so với các công dân khác trong việc xin visa vào làm việc tại Anh.

Nguồn: Nguyễn Cảnh/ antg.cand.com.vn

Bài liên quan