Brexit khiến nước Anh đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động

Các nhà sản xuất của Vương quốc Anh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân lành nghề nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm qua, từ năm 1989, trong bối cảnh số lượng công dân EU27 đến nước này làm việc đã suy giảm nhanh chóng kể từ khi cuộc bỏ phiếu Brexit được thực hiện.

426 1 Brexit Khien Nuoc Anh Doi Mat Voi Tinh Trang Thieu Hut Lao Dong
Ảnh minh họa

Phòng Thương mại Anh (BCC) cho biết, hơn 4/5 các nhà sản xuất Anh đã “vật vã” để thuê nhân viên trong những tháng cuối năm 2018. Trong một cuộc khảo sát với hơn 6.000 nhà tuyển dụng trên cả nước cho thấy, 81% các nhà sản xuất và 70% các công ty thuộc ngành dịch vụ đã báo cáo những khó khăn với việc tìm kiếm nhân viên có trình độ và kinh nghiệm phù hợp.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ Anh cần phải khẩn trương nhận ra những khó khăn trong tuyển dụng nhân viên, đặc biệt là những khó khăn mà các công ty sẽ đối mặt tiếp theo khi Chính phủ Anh chuẩn bị đưa ra các hạn chế đối với công dân EU làm việc tại Anh sau Brexit. Chính phủ còn đang tìm cách cắt giảm 80% lao động nhập cư từ EU sau khi Anh rời khỏi liên minh, bao gồm cả việc gia hạn ngưỡng lương tối thiểu 30.000 bảng một năm đã áp dụng cho những lao động ngoài EU.

Các doanh nghiệp Anh đang thực sự quan ngại với lộ trình gần đây của chính phủ về các quy tắc nhập cư trong tương lai phải được thực hiện nghiêm túc – và các công ty cần phải được tiếp cận với lực lượng lao động có kỹ năng ở mọi cấp độ mà không phải trả chi phí nặng nề hoặc tình trạng quan liêu. Khó khăn trong tuyển dụng nhân viên diễn ra khi tỷ lệ việc làm ở Anh ở mức cao nhất kể từ năm 1971, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ năm 1975, khiến các công ty khó thuê nhân công mới mà không đưa ra mức lương cao hơn.

Dòng di cư từ phần còn lại của EU sang Anh cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua. Đồng bảng Anh yếu hơn đã khiến việc làm cho các công nhân nước ngoài làm việc ở Anh trở nên kém hấp dẫn hơn, trong khi Brexit cũng có khả năng đưa ra các quy tắc nhập cư khó khăn hơn trong tương lai. Nền kinh tế Anh dường như cũng bị kẹt trong một mô hình khó quản lý vào đầu năm 2019 do sự bất chắc của Brexit, trong khi tăng trưởng trì trệ và lòng tin của doanh nghiệp bị tổn thương.

Trong khi các nhà sản xuất đang chịu áp lực từ tình trạng thiếu lao động, thì các lĩnh vực dịch vụ, bao gồm ngân hàng, khách sạn và nhà hàng, và chiếm khoảng 4/5 nền kinh tế, đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh số bán hàng trong nước. Sản xuất trong lĩnh vực chế biến đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 6 tháng vào tháng 12/2018 khi các công ty dự trữ để chuẩn bị cho việc bất chắc nếu xảy ra trường hợp Brexit không có thỏa thuận. Chỉ số các nhà quản lý mua hàng sản xuất IHS Markit/Cips đã tăng từ 53,6 trong tháng 11 lên 54,2 vào tháng 12/2018, vượt qua các dự báo tăng trưởng kinh tế bất lợi.

Sự bất chắc của Brexit có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, trong ngắn hạn các công ty tăng mức độ hoạt động để chuẩn bị cho sự gián đoạn có thể xảy ra từ khi Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3 tới mà không có thỏa thuận nào. Ngân hàng Trung ương Anh trước đây đã nói rằng, phần lớn các doanh nghiệp ở Anh đã chuẩn bị rất ít cho một kịch bản không thỏa thuận, trong khi Chính phủ Anh đã bắt đầu nói nhiều hơn với doanh nghiệp để lên kế hoạch chuẩn bị. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết sự tăng trưởng trong hoạt động của doanh nghiệp có thể là tạm thời. Sự gián đoạn sau ngày 29/3, có thể hạn chế bất kỳ nỗ lực loại trừ rủi ro nào của Brexit và cũng có thể khiến các doanh nghiệp tăng cường dự trữ hơn là đặt mới hàng hóa.

Việt Dũng

Bài liên quan