Anh khởi động ''Kế hoạch B'' ngăn Omicron

Thủ tướng Anh thông báo triển khai "Kế hoạch B" với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để kiềm chế sự lây lan của chủng Omicron.

Thủ tướng Boris Johnson hôm qua khẳng định không còn lựa chọn nào khác ngoài "Kế hoạch B", yêu cầu người dân chuyển sang hình thức làm việc từ xa, đeo khẩu trang ở nơi công cộng và sử dụng hộ chiếu vaccine.

"Bức tranh có thể trở nên tốt đẹp hơn và tôi thực sự mong điều đó xảy ra, nhưng chúng ta biết rằng tốc độ tăng ca nhiễm theo cấp số nhân có thể dẫn đến sự gia tăng ca nhập viện và sau đó là ca tử vong", Thủ tướng Johnson nói, cho biết biến chủng Omicron đang lây lan nhanh.

Kế hoạch B được Anh đưa ra sau khi nước này đã ghi nhận 568 ca nhiễm chủng Omicron, với dữ liệu cho thấy số ca nhiễm đang tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày.

Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho biết các quan chức Anh ước tính số ca Omicron thực tế cao hơn 20 lần so với báo cáo, đồng nghĩa nước này có thể đã có gần 10.000 ca nhiễm.

1 Anh Khoi Dong Ke Hoach B Ngan Omicron

Người dân trên phố Oxford, thủ đô London, Anh hôm 5/12. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Johnson dỡ bỏ hầu hết các hạn chế Covid-19 ở Anh hồi tháng 7 sau chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, từng cam kết rằng sẽ vượt qua mùa đông mà không cần phong tỏa đất nước lần thứ tư. Tuy nhiên, ông vẫn chuẩn bị kế hoạch dự phòng để ứng phó với đại dịch.

Nhiều nhà lập pháp trong đảng Bảo thủ của Johnson tỏ ra bất bình với các hạn chế mới, lo ngại tác động của chúng với nền kinh tế Anh sau khi sụt giảm 10% vào năm ngoái.

Anh đã ghi nhận hơn 10,6 triệu ca nhiễm và gần 146.000 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi dịch bắt đầu. Khoảng 76% dân số Anh đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, trong đó 70% đã hoàn thành liệu trình tiêm chủng.

Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/11. 57 quốc gia đã báo cáo về ca nhiễm chủng Omicron.

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nỗ lực chạy đua với thời gian để giải mã về mức độ nguy hiểm của biến chủng này, kết quả có thể được công bố trong vài ngày hoặc một tuần tới, theo giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci.

Tuy nhiên, nghiên cứu sơ bộ do các nhà khoa học Nam Phi công bố cho thấy tại tỉnh Gauteng, điểm nóng Covid-19 ở nước này, chỉ 8% trường hợp nhập viện vì Covid-19 phải điều trị tích cực, thấp hơn nhiều so với mức 23% trong làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta. Tỷ lệ bệnh nhân phải dùng máy thở cũng thấp hơn, giảm từ 11% xuống 2%, dẫn tới một số nhận định rằng Omicron có khả năng ít nghiêm trọng hơn Delta.

Thanh Tâm (Theo Reuters)

Nguồn: vnexpress.net

Bài liên quan