Ngày 7-3, Chính phủ Vương quốc Anh sẽ công bố luật mới, không cho phép người di cư nhập cảnh vào Anh bằng những con đường bất hợp pháp được xin tị nạn.
Theo các quan chức chính phủ nước này, theo luật mới, bất kỳ ai đến Anh bằng xuồng nhỏ sẽ không được xin tị nạn và sẽ bị đưa đến các nước thứ ba một cách an toàn.
Thủ tướng Rishi Sunak xác định mục tiêu ngăn dòng người di cư đến Anh bằng xuồng nhỏ là 1 trong 5 ưu tiên chính của ông.
Cảnh sát Pháp đứng cạnh một chiếc xuồng cao su nằm trên bãi biển mà những người di cư thường sử dụng để rời bờ biển phía bắc nước Pháp và băng qua eo biển Manche, đến Anh xin tị nạn – Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, số lượng người di cư đến bờ biển phía nam nước Anh tăng vọt lên hơn 45.000 người vào năm ngoái và khoảng 90% trong số họ xin tị nạn.
Người phát ngôn của thủ tướng Anh cho biết ngày 6-3: “Chúng ta có một tình huống không thể chấp nhận được, nó lấy đi cơ hội của những người thực sự cần sự giúp đỡ. Điều đó đơn giản là không công bằng. Chúng ta phải loại bỏ lợi ích từ việc có thể đăng ký xin tị nạn của những người đến Anh bất hợp pháp và ngăn chặn những chiếc xuồng chở họ”.
Theo tổ chức từ thiện Refugee Council, tâm lý tức giận về vấn đề nhập cư ở một số khu vực đã nổi lên trong nền chính trị Anh trong thập kỷ qua. Nó được các nhà vận động sử dụng như một công cụ để thúc đẩy sự ủng hộ cho Brexit trước cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Theo khảo sát của YouGov tháng 11-2022, kiểm soát nhập cư đã trở thành vấn đề quan trọng thứ ba với cử tri Anh sau vấn đề kinh tế và khám chữa bệnh. 87% người được hỏi cho rằng chính phủ đang xử lý vấn đề không tốt.
Việc đưa người vượt eo biển Manche đã mang lại lợi nhuận vô cùng lớn cho những kẻ buôn người và gây nguy hiểm tính mạng cho người di cư.
Năm ngoái, cựu thủ tướng Boris Johnson đã đạt được thỏa thuận gửi hàng chục nghìn người di cư, nhiều người xuất phát từ Afghanistan, Syria hoặc các quốc gia bị chia cắt bởi xung đột khác, đến Rwanda ở châu Phi.
Chuyến bay trục xuất theo kế hoạch đầu tiên bị chặn vào tháng 6-2022 do lệnh cấm vào phút cuối mà Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) ban hành.
Tòa án London sau đó xác định việc trục xuất này là hợp pháp vào tháng 12 cùng năm, nhưng vụ việc đang chờ kháng cáo.
Dự kiến, cuộc chiến pháp lý này sẽ kết thúc tại Tòa án tối cao Vương quốc Anh và có thể không có kết quả cuối cùng trong nhiều tháng.
Nguồn: Tuoitre