Anh nâng cấp tên lửa sau kinh nghiệm thực chiến với Houthi

Anh thông báo kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng không Sea Viper trên tàu chiến, sau lần suýt bị UAV của Houthi đánh trúng ở Biển Đỏ.

"Hệ thống phòng không Sea Viper sẽ được cập nhật phần mềm và trang bị tên lửa có đầu đạn mới, cho phép nó có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo. Hệ thống này sẽ bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh, có khả năng bám bắt, nhắm mục tiêu và tiêu diệt mối đe dọa ở khoảng cách hơn 110 km", Bộ Quốc phòng Anh cuối tuần trước thông báo.

Dự án được chia thành hai giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2032 với chi phí khoảng 515 triệu USD. Trong giai đoạn đầu tiên, tên lửa phòng không Aster 30 của Sea Viper sẽ được nâng cấp thành biến thể Block 1 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Các bộ phận khác của tổ hợp như radar và trung tâm chỉ huy cũng sẽ được chỉnh sửa, cải tiến để tăng hiệu quả hoạt động.

Đến giai đoạn hai, Sea Viper sẽ được trang bị tên lửa Aster 30 Block 1NT, phiên bản sử dụng đầu dò radar mới có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tốt hơn. Biến thể này vẫn đang trong quá trình phát triển.

1 Anh Nang Cap Ten Lua Sau Kinh Nghiem Thuc Chien Voi Houthi

Tổ hợp Sea Viper khai hỏa trên tàu chiến Anh trong bức ảnh đăng ngày 21/1. Ảnh: BQP Anh

Bộ Quốc phòng Anh cho biết dự án sẽ giúp Sea Viper trở thành hệ thống phòng không "mạnh mẽ nhất" trong biên chế hải quân nước này. "Chúng tôi đang đầu tư cho một năng lực quan trọng, vốn đang được sử dụng những tuần gần đây để bảo vệ tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp bậc nhất thế giới", thông báo có đoạn.

Sea Viper, có tên gọi khác là PAAMS, là hệ thống phòng không do Anh, Pháp và Italy hợp tác phát triển, được đưa vào biên chế hải quân Anh hơn một thập kỷ trước. Tổ hợp này có khả năng phát hiện, bám bắt tên lửa hành trình, chiến đấu cơ và máy bay không người lái (UAV) ở khoảng cách 400 km và tiêu diệt chúng trong phạm vi khoảng 110 km.

Tàu khu trục HMS Diamond của Anh ở Biển Đỏ thời gian qua đã nhiều lần sử dụng Sea Viper để đánh chặn UAV tự sát của lực lượng Houthi ở Yemen, song chưa từng bắn hạ tên lửa đạn đạo diệt hạm do nhóm vũ trang phóng. Các quan chức Anh cho biết dự án nâng cấp được tiến hành nhằm giúp hệ thống Sea Viper có thể đối phó với mối đe dọa này.

"Trong bối cảnh tình hình Trung Đông đang xấu đi, chúng ta cần phải thích ứng để có thể bảo vệ Anh cũng như đồng minh và các đối tác khác", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps ngày 21/1 cho biết.

Kế hoạch nâng cấp Sea Viper cũng được công bố sau khi Houthi hôm 9/1 tiến hành đợt tấn công lớn kỷ lục bằng tên lửa và UAV vào các tàu hàng cũng như chiến hạm Mỹ, Anh trên Biển Đỏ. Trong vụ tập kích, nhóm vũ trang tại Yemen đã triển khai tổng cộng 21 tên lửa, UAV các loại, tất cả đều bị tiêm kích và tàu chiến của Mỹ, Anh bắn hạ.

Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết một UAV của Houthi đã lọt qua lớp phòng thủ bên ngoài và áp sát tàu chiến HMS Diamond, buộc nó phải khai hỏa pháo phòng không 30 mm trong hệ thống phòng thủ tầm cực gần để bắn hạ.

Căng thẳng ở Trung Đông gần đây gia tăng trong bối cảnh lực lượng Mỹ, Anh tiến hành nhiều cuộc tập kích vào các mục tiêu của lực lượng Houthi, nhằm đáp trả các đòn đánh của nhóm vào tàu hàng và tàu chiến của hai nước này ở Biển Đỏ. Houthi tuyên bố đây là hành động nhằm thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza.

Lực lượng này ngày 22/1 thông báo đã tập kích "tàu hàng quân sự Mỹ" Ocean Gas trên vịnh Aden bằng tên lửa chống hạm và đánh trúng phương tiện này, song không tiết lộ thiệt hại liên quan trong vụ tấn công. Mỹ và Anh sau đó tuyên bố không kích "vào 8 mục tiêu của Houthi tại Yemen", bao gồm một kho dưới lòng đất, hệ thống giám sát và tên lửa của nhóm vũ trang.

Phạm Giang (Theo Business Insider, AFP, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

Bài liên quan