Thủ tướng Anh Sunak và người đồng cấp Nhật Bản Kishida ký thỏa thuận quốc phòng cho phép hai nước triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida ngày 11/1 ký Thỏa thuận Tiếp cận Song phương (RAA) tại London. Ông Kishida đang thăm Anh, nằm trong chuyến công du các nước thành viên G7, trong đó có Pháp, Italy, Canada và Mỹ. Nhật Bản đang giữ ghế chủ tịch nhóm G7.
"Thỏa thuận Tiếp cận Song phương (RAA) có ý nghĩa lớn với cả hai nước, củng cố cam kết của chúng tôi với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết. "Trong thế giới ngày càng cạnh tranh này, quan trọng hơn hết là các xã hội dân chủ tiếp tục kề vai sát cánh, vượt qua những thách thức toàn cầu chưa từng có".
Anh và Nhật Bản bắt đầu thảo luận về thỏa thuận từ năm 2021 và nhất trí về nguyên tắc vào tháng 5/2022. Văn phòng Thủ tướng Sunak gọi đây là "thỏa thuận quốc phòng quan trọng nhất giữa hai nước hơn một thế kỷ".
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) bắt tay người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida sau khi ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương tại London ngày 11/1. Ảnh: AFP
Lãnh đạo hai nước còn trao đổi về thương mại và việc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hồi tháng 12, Anh và Nhật Bản đã triển khai quan hệ đối tác trong lĩnh vực kỹ thuật số.
"Ông Sunak thêm rằng tăng trưởng và thịnh vượng cho các quốc gia trong tương lai sẽ được thúc đẩy bởi sự hợp tác và đổi mới. Hai lãnh đạo nhất trí kinh tế hai nước còn tiềm năng tăng trưởng lớn", theo người phát ngôn văn phòng thủ tướng Anh.
Thỏa thuận RAA được coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy mức độ quan tâm ngày càng tăng của London tại châu Á - Thái Bình Dương và nỗ lực của Tokyo nhằm củng cố các mối quan hệ để đối mặt với các vấn đề an ninh trong khu vực.
Tháng 1/2022, Nhật Bản đã ký một hiệp định tương tự với Australia. Từ cuối năm 2022, chính phủ Nhật đã thông qua kế hoạch xây dựng quốc phòng trị giá 320 tỷ USD, lớn nhất từ Thế chiến II, nhằm đối phó với "hàng loạt thách thức an ninh".
Trong đó, Tokyo tuyên bố sẽ tăng chi tiêu an ninh lên 2% GDP vào năm 2027, mua sắm các loại vũ khí mới có thể tấn công phủ đầu mục tiêu đe dọa nước này và đồng minh, mở rộng năng lực vận chuyển và phát triển năng lực chiến tranh mạng.
Nhật sẽ chi 51,7 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2023, tăng 26,3% so với cùng kỳ trước đó. Trong ngân sách quốc phòng này, Tokyo sẽ phân bổ 6,7 tỷ USD cho phát triển và mua sắm vũ khí, nhiều hơn 4 năm trước cộng lại.
Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Nhật Bản phần lớn ủng hộ bước thay đổi này, nhưng chúng vẫn có thể gây tranh cãi vì hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản yêu cầu quân đội chỉ tiến hành các hoạt động mang tính tự vệ. Chính quyền Thủ tướng Kishida đang nỗ lực diễn giải lại hiến pháp để tăng cường năng lực tấn công cho lực lượng vũ trang.
Thủ tướng Kishida đang công du 5 nước G7 là Anh, Pháp, Italy, Canada và Mỹ để thảo luận về các vấn đề an ninh. Ông Kishida sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 13/1.
Anh cũng đang tăng cường quan hệ an ninh và thương mại tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Anh và Nhật Bản gần đây đều coi Trung Quốc là một thách thức trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói khu vực "không phải đấu trường cho các trò chơi chính trị" và Trung Quốc là đối tác để hợp tác, "không phải một thách thức".
"Cách nghĩ lỗi thời về các khối đối đầu không nên được áp dụng tại châu Á - Thái Bình Dương", ông Uông trả lời họp báo tại Bắc Kinh, khi được hỏi về thỏa thuận giữa Anh và Nhật Bản.
Như Tâm - Đức Trung (Theo Reuters, AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET