Một cuộc điều tra của Reuters mới đây cho biết khoảng 10.000 việc làm sẽ được chuyển khỏi Anh hoặc tạo ra ở nước ngoài trong vòng vài năm, sau khi Anh rời khỏi liên minh châu Âu (EU).
Người lao động bước qua cầu London tại thủ đô London (Anh) – Ảnh: Reuters Việc Anh rời EU (còn gọi là Brexit) đồng nghĩa khả năng công dân của họ sẽ bị từ chối tiếp cận thị trường tài chính châu Âu, khảo sát ở các công ty thuộc lĩnh vực tài chính quốc tế cho biết.
Cụ thể, tình hình còn tùy thuộc các thỏa thuận giữa Anh với các thành viên còn lại của EU, nhưng trước mắt các tổ chức tài chính như ngân hàng của các nước EU sẽ khó “ở lại” nước Anh do thay đổi về chính sách. Nghĩa là lao động Anh ở các ngân hàng này cũng vô tình mất việc theo.
Thành phố Frankfurt (Đức) đến nay là địa điểm phổ biến nhất cho các công ty đang hoạt động ở Anh, kế tới là Paris, theo cuộc khảo sát trên.
Hãng tin Reuters cho biết đã lấy kết quả từ 123 công ty gồm những ngân hàng, công ty bảo hiểm, quản lý tài sản, chứng khoán, đầu tư mạo hiểm… tại Anh. Họ được hỏi về một số điều khoản chi tiết trong kế hoạch tính tới nay, đặt trong trường hợp Anh sẽ rời EU một cách rõ ràng, hoàn toàn – tức “hard Brexit”.
Dữ liệu thu thập được tính từ các cuộc phỏng vấn email và điện thoại từ 21-8 tới 15-9, vài tuần sau khi các công ty nộp kế hoạch chi tiết cho Ngân hàng Anh về sự chuẩn bị cho Brexit theo thời hạn là ngày 14-7.
Gần một nửa trong các công ty trên nói với Reuters họ sẽ di chuyển nhân viên hoặc tái cấu trúc vì Brexit khi màn “chia tay” này có hiệu lực vào tháng 3-2019. Một phần ba các công ty khác nói rằng họ không bị ảnh hưởng, và phần còn lại nói vẫn đang quyết định nên không trả lời.
Số lượng công việc bị chuyển đi hoặc tạo ra ở nước ngoài dựa trên câu trả lời của 39 công ty với ít nhất 350.000 lao động. Khoảng 1,1 triệu lao động đang làm cho các công ty tài chính ở Anh.
Nhật Đăng
Nguồn: Tuổi Trẻ