Nước Anh được cảnh báo phải cải tổ mạnh mẽ hệ thống dạy ngoại ngữ nếu không muốn bị tụt hậu trên thị trường toàn cầu trong giai đoạn hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – EU).
Theo phóng viên TTXVN tại London, lời cảnh báo trên do một nhóm 26 nhà nghiên cứu có tên tuổi tại Anh đưa ra trong cuốn sách có tựa đề “Những ngôn ngữ sau Brexit”.
Nhóm tác giả này cho rằng tham vọng “Nước Anh toàn cầu” sau Brexit chỉ có thể trở nên khả thi nếu “xứ sở sương mù” từ bỏ thái độ ỷ lại vào sự phổ biến của tiếng Anh để trở thành một đất nước của nhiều người thông thạo ngoại ngữ.
Các công chức, quan chức chính phủ và học sinh, sinh viên tại Anh cần phải được dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Đức và một số ngôn ngữ phổ biến ngoài EU như tiếng Trung Quốc và tiếng Arab.
Nhóm tác giả cuốn sách cũng đề xuất Chính phủ Anh giảm thuế cho những doanh nghiệp tổ chức đào tạo ngoại ngữ cho nhân viên, đồng thời các bộ ngành của nước này cần học tập chính sách của quân đội Anh trong việc hỗ trợ tài chính cho các quân nhân có khả năng về ngoại ngữ.
Giáo sư Michael Kelly, người được phong tước Hiệp sĩ năm 2014 nhờ những đóng góp trong giáo dục của nước Anh, chủ biên cuốn sách “Những ngôn ngữ sau Brexit”, cho rằng khả năng ngoại ngữ và sự am hiểu những giá trị văn hóa của một quốc gia khác đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh nước Anh cần vươn ra khỏi châu Âu để xác định tương lai cho mình.
Giáo sư Kelly cảnh báo nước Anh cần tránh tư duy chỉ tập trung vào những đối tác thương mại nói tiếng Anh trong khối Thịnh vượng chung như Australia, New Zealand và Canada – những nước chỉ chiếm 3,1% giá trị xuất khẩu của nước Anh.
Nhóm tác giả nhận định kinh tế toàn cầu đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của những thị trường mới như những nền kinh tế thuộc Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với 2/3 dân số thế giới.
Ngoài ra, Anh cũng cần chú ý đến ngôn ngữ của các nước CIVETS (gồm Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập) nếu muốn mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế ra toàn cầu sau Brexit.
Cuốn sách trên đưa ra một bức tranh khá bi quan về khả năng ngoại ngữ của nước Anh hiện nay.
Trong khi 80% trẻ em tại các nước châu Âu khác bắt đầu học một ngôn ngữ thứ hai từ tiểu học, thì gần 2/3 dân số Anh hiện tại không có khả năng giao tiếp bằng một ngôn ngữ khác.
Điều này trái ngược hoàn toàn với Thụy Sĩ – nơi đa số những người điều hành tàu, nhân viên ngân hàng đều có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Anh.
Đáng báo động hơn cả là từ năm 2000 đến nay, đã có 46 khoa ngôn ngữ hiện đại tại các trường đại học của Anh phải đóng cửa vì không được đầu tư.
Bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong lĩnh vực nhận dạng ngôn ngữ và phiên dịch, nhóm tác giả nhận định rằng ngay cả đến thời điểm tháng 3/2021, khi Anh đã hoàn toàn rời khỏi EU (nếu tính cả 2 năm chuyển tiếp), cũng không thể trông đợi vào sự hỗ trợ của các giải pháp công nghệ dịch thuật khi nước Anh tiến hành đàm phán những thỏa thuận thương mại bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Arab./.
Nguồn: bnews.vn