Anh: Tiết lộ mua bán bằng giả cao nhất 500.000 bảng gây sốc

Đó là giá cao nhất để mua một bằng tiến sĩ giả. Giá bình thường là 2.500 bảng/1 bằng. Hàng ngàn công dân vương quốc Anh mua bằng giả từ một cơ sở kinh doanh bằng cấp dỏm ở Pakistan – một cuộc điều tra của BBC Radio 4 cho hay hôm 16/1. Đây là một tiết lộ thật sự gây sốc trong dư luận Anh.

Trong số những người mua bằng giả có cả các y tá, bác sĩ tham vấn của Dịch vụ y tế quốc gia. Chuyện khó tin nhưng có thật: một người Anh được ghi nhận chi gần 500.000 bảng cho văn bằng giả!?

Bộ Giáo dục Anh cho biết họ “hành động quyết liệt để dẹp tình trạng gian lận bằng cấp gây thiệt hại cho những người theo học trường lớp thực thụ”. Axact, tự nhận là “hãng công nghệ thông tin lớn nhất thế giới”, quản lý mạng lưới hàng trăm trường đại học trực tuyến giả do các đại lý từ trung tâm dịch vụ Karachi ở Pakistan điều hành.

426 Content 608
Bằng cử nhân trường Nixon University giả được rao bán với giá 2.500 bảng Anh (khoảng 3.600 USD) (Ảnh: OTHER)

Kinh doanh dưới những tên trường như Brooklyn Park University và Nixon University, họ gắn kèm hình ảnh những sinh viên cười rạng rỡ và thậm chí các bài báo giả ca ngợi về trường của họ.

Theo tài liệu mà BBC Radio 4 được tiếp cận, hơn 3.000 chứng chỉ, bằng cấp giả do Axact cấp đã được bán cho những người mua ở Anh trong năm 2013 và 2014, gồm bằng thạc sĩ và tiến sĩ.

Lướt qua danh sách những người mua bằng giả của Axact UK, phóng viên báo chí thấy nhiều nhân viên của Dịch vụ y tế quốc gia, gồm một bác sĩ nhãn khoa, các y tá, bác sĩ tâm lý và nhiều bác sĩ tham vấn. Một bác sĩ tham vấn tại một bệnh viện thực hành ở London đã mua một văn bằng nội khoa từ Belford University giả vào năm 2007.

426 Content 609
Một trong những văn bằng giả được phát hiện (Ảnh: OTHER)

Vị bác sĩ này trước đây đã bị Hội đồng Y khoa Anh quốc (GMC) kỷ luật vì không báo cáo về việc mình có tiền án. Người này nói với phóng viên rằng ông ta đã không dùng các bằng cấp này vì chúng “chưa được chứng nhận”.

Một bác sĩ gây mê đã mua bằng “quản lý bệnh viện” cho biết ông không sử dụng bằng cấp này ở Anh. Và một bác sĩ tham vấn về cấp cứu nhi khoa, người mua bằng “thạc sĩ công nghệ chăm sóc sức khỏe”, nói “bất ngờ hoàn toàn” khi phóng viên cho biết bằng cấp của ông là giả mạo.

Từ tiết lộ của Radio 4, hiện cảnh sát Anh đang vào cuộc điều tra đến cội nguồn nơi bán bằng giả gây hoang mang dư luận trong xã hội Anh.

Nguồn: nguoitieudung.com.vn

Bài liên quan