Lệnh trừng phạt của chính phủ Anh đối với tỷ phú Roman Abramovich đẩy Chelsea đến bờ vực sụp đổ.
"Tôi phải thừa nhận rằng đây không phải là một ngày bình thường. Chúng tôi không thể kiểm soát được chuyện này", đội trưởng Chelsea Cesar Azpilicueta chia sẻ trước khi ra sân trong trận đấu bù với Norwich.
Hôm qua (10/3) là một ngày đặc biệt của Chelsea. Đội chủ sân Stamford Bridge kỷ niệm 117 năm thành lập và món quà mà câu lạc bộ này nhận được là một phán quyết đẩy họ đến bờ vực sụp đổ.
Chelsea chịu tác động trực tiếp từ lệnh trừng phạt mà chính phủ Anh trút lên ông chủ của đội bóng. Tỷ phú người Nga Roman Abramovich bị phong tỏa toàn bộ tài sản và cấm thực hiện giao dịch tại Anh.
Nhà đương kim vô địch UEFA Champions League và FIFA Club World Cup phải nhờ tới một giấy phép đặc biệt mới có thể tiếp tục hoạt động trong phần còn lại của mùa giải 2021/22. Tuy nhiên, điều đó chỉ giữ hơi thở thoi thóp cho Chelsea để đội bóng này không phải giải thể ngay lập tức.
Chelsea đứng bên bờ vực sụp đổ.
Chelsea vẫn được thi đấu, nhưng không được bán vé cho cổ động viên vào sân. Điều này đồng nghĩa với việc sân Stamford Bridge - với sức chứa tối đa trên 40 ngàn người - từ nay đến hết mùa giải chỉ có thể đón chưa đến 30 nghìn khán giả mỗi trận.
Những khoản tiền thưởng hoặc doanh thu từ các hợp đồng đã ký vẫn đổ về CLB như dự toán, nhưng sẽ ngay lập tức bị đóng băng để đảm bảo rằng ông chủ Abramovich không thu được đồng lợi nhuận nào. Chi tiêu của Chelsea cũng bị hạn chế.
Họ chỉ được tổ chức các trận đấu sân nhà với chi phí không quá 500 nghìn Bảng/trận và tiêu không quá 20 nghìn Bảng/trận cho những trận đấu sân khách. Điều này có thể là một vấn đề lớn khi Chelsea phải thi đấu xa nhà ở Champions League trong thời gian tới. Viễn cảnh The Blues phải di chuyển bằng tàu, xe hoặc máy bay thương mại thay vì chuyên cơ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Khi mùa giải kết thúc, bên cạnh việc giấy phép tạm thời hết hiệu lực, Chelsea phải đối mặt với rắc rối lớn hơn. Đội chủ sân Stamford Bridge không được phép ký hợp đồng mới với cầu thủ, huấn luyện viên cũng như nhân viên thuộc mọi bộ phận.
Cesar Azpilicueta, Antonio Rudiger và Andreas Christensen là những cầu thủ sẽ hết hạn hợp đồng vào tháng 6 tới. Họ không cần phải cân nhắc đến vấn đề gia hạn, vì không còn lựa chọn nào khác ngoài ra đi.
Đối với những người ở lại, tổng quỹ lương mà Chelsea phải trả cho họ vào khoảng trên 150 triệu Bảng mỗi năm. Đội bóng này kiếm được khoảng 400 triệu Bảng lợi nhuận mỗi năm, đủ để trang trải khoản chi phí lớn nhất - tiền lương cầu thủ và HLV trưởng. Tuy nhiên, với tình trạng hiện tại của CLB, chưa chắc họ đã kiếm được số tiền nhiều như vậy trong những năm tiếp theo.
Chỉ vài giờ sau khi có lệnh trừng phạt, Chelsea mất ngay một hợp đồng tài trợ trị giá 40 triệu Bảng/năm. Hai đối tác khác khác, với các hợp đồng khoảng 20 triệu Bảng/năm đang cân nhắc làm điều tương tự.
Cầu thủ Chelsea đối mặt với tương lai bất định.
Từ một góc độ khác, Chelsea cũng đang phải đối mặt với làn sóng tấn công mạnh mẽ từ truyền thông Anh. Một số tờ báo lớn, trong đó có Daily Mail, Daily Telegraph và The Guardian, đang thực hiện chiến dịch tẩy chay đội chủ sân Stamford Bridge. Họ gọi Chelsea là một đội bóng dùng "tiền bẩn", đòi trừ điểm, thậm chí giáng CLB này xuống hạng dưới.
Chelsea không có đồng minh, khi ông chủ người Nga Roman Abramovich bị coi là kẻ phản diện. Truyền thông Anh đối xử với Chelsea-Abramovich giống như cách họ phản đối, tẩy chay CLB Newcastle khi những tỷ phú Ả Rập Xê Út mua lại đội bóng này vào cuối năm ngoái.
Tròn một tháng trước, Chelsea đăng quang chức vô địch thế giới. Giờ đây, chỉ trong vòng 2 tuần, đội chủ sân Stamford Bridge bị đẩy đến bờ vực sụp đổ. Đế chế mà Chelsea gây dựng được trong gần 2 thập kỷ thời Roman Abramovich - với bộ sưu tập trọn vẹn đủ mọi danh hiệu - sắp trở thành đống gạch vụn.
Minh Ngọc
Nguồn: vtc.vn