Anh công bố các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC) vì "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" trong cuộc khủng hoảng tại nước này.
"Hai tháng kể từ cuộc đảo chính, quân đội Myanmar thêm tha hóa với việc giết người vô tội, gồm cả trẻ em", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm nay cho hay. "Hành động mới nhất của Anh nhắm vào một trong những nguồn tài trợ quan trọng của quân đội và bắt họ phải trả thêm giá cho những hành động vi phạm nhân quyền".
MEC và một tập đoàn quân sự khác là Myanmar Economic Holdings Ltd (MEHL) chi phối nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Myanmar, gồm thương mại, rượu, thuốc lá và hàng tiêu dùng. Các lệnh trừng phạt với MEC sẽ được "thực thi ngay lập tức vì liên quan vi phạm nhân quyền nghiêm trọng bằng cách cung cấp ngân quỹ cho quân đội, cũng như liên quan đến quan chức quân đội cấp cao".
Người biểu tình Myanmar vác bao cát dựng rào chắn trên đường phố Yangon hôm 31/3. Ảnh: AFP.
Anh tuần trước cũng trừng phạt MEHL với cáo buộc liên quan "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng với người Rohingya và mối liên quan với quan chức quân đội cấp cao".
Sau khi nắm quyền hồi tháng 2, quân đội Myanmar đã giành lại quyền kiểm soát các công ty nhà nước. Theo nhóm vận động Justice For Myanmar, thông qua MEC và MEHL, ít nhất 133 công ty ở Myanmar đang được các tướng quân đội giám sát toàn bộ hoặc một phần.
Phần lớn hoạt động buôn bán ngọc bích và hồng ngọc do các doanh nghiệp quân đội kiểm soát. MEHL có quan hệ đối tác với các công ty ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Từ năm 1990 đến năm 2011, khoảng 18 tỷ USD đã được trả cho các quan chức quân đội đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu, những người có cổ phần trong MEHL, theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế tháng 9 năm ngoái.
Bộ Tài chính Mỹ tuần trước thông báo đưa MEHL và MEC vào danh sách đen. Theo đó, Washington sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào của hai thực thể này tại Mỹ.
Đây là động thái mới nhất trong loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngân hàng trung ương và các tướng lĩnh hàng đầu Myanmar kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2.
Tuy nhiên, đây là hành động đầu tiên nhằm vào lợi ích kinh doanh của quân đội Myanmar, lực lượng kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau của đất nước, từ bia, thuốc lá đến viễn thông, sản xuất lốp xe, khai thác mỏ và bất động sản.