Anh tự tin thoát đại dịch

Tỷ lệ nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Anh giảm mạnh trong những ngày qua, khiến nhiều chuyên gia lạc quan về tương lai kết thúc đại dịch.

132 1 Anh Tu Tin Thoat Dai Dich

Hàng nghìn người tham gia "bữa tiệc" ở câu lạc bộ đêm trong chương trình đánh giá nguy cơ lây nhiễm nCoV của chính phủ Anh

Neil Ferguson, giáo sư Đại học Hoàng gia London và là cố vấn Covid-19 của chính phủ Anh, tin rằng kịch bản tồi tệ nhất của đại dịch đã qua.

"Trong kịch bản tệ nhất, nếu chúng ta phát hiện biến chủng mới có thể né tránh vaccine vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, một số biện pháp hạn chế có thể được áp dụng lại tạm thời cho tới khi chúng ta tăng cường được miễn dịch cộng đồng", Ferguson nói với BBC. "Nhưng tôi nghĩ điều này sẽ không xảy ra, chúng ta nhiều khả năng đang trên lộ trình ổn định để thoát đại dịch, ít nhất là ở đất nước này".

Bình luận được giáo sư Ferguson đưa ra sau khi Thủ tướng Boris Johnson đề xuất cho phép nối lại một số hoạt động đi lại quốc tế từ ngày 17/5 và ủng hộ dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội vào cuối tháng 6.

Anh ngày 3/5 cán mốc tiêm chủng 50 triệu liều, trong đó 51% người Anh đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock mô tả đây là "thành tựu lớn".

"Những mũi tiêm đang cứu sống nhiều mạng người và giúp chúng tôi trở lại bình thường. Cảm ơn tất cả mọi người đã góp phần vào nỗ lực quốc gia này", ông viết.

Ian Sample, biên tập viên của Guardian, cho rằng Anh hoàn toàn có cơ sở để lạc quan về tương lai thoát đại dịch, khi đạt được một trong những mục tiêu quan trọng là giảm số ca tử vong hàng ngày.

Giới chức y tế Anh ngày 4/5 cho biết nước này ghi nhận 1.946 ca nhiễm và 4 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 4.423.796 và 127.543. Trước đó một ngày, Anh thậm chí chỉ báo cáo một ca tử vong duy nhất vì Covid-19.

Anh đã trải qua những tháng mùa đông tồi tệ vì đại dịch, khi hàng triệu người dân phải sống dưới lệnh phong tỏa và sự xuất hiện của các biến chủng dễ lây nhiễm. Chỉ riêng trong tháng 1, Anh báo cáo gần 32.000 ca tử vong vì Covid-19.

Với các biện pháp phong tỏa mạnh tay và nỗ lực triển khai vaccine nhanh, hiệu quả, Anh đã thu được "trái ngọt", khi số ca nhiễm và tử vong giảm dần. Tới tháng 4, số ca tử vong đã giảm xuống 753. Nhiều nhà khoa học trong nhóm cố vấn cho chính phủ lạc quan số người chết trong tháng 5 sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Lệnh phong tỏa hồi đầu năm đã giúp Anh cắt đứt chuỗi lây nhiễm và làm giảm hệ số R, tỷ lệ người mang virus truyền bệnh cho người khác. Khi R giảm xuống dưới 1, đại dịch cũng bắt đầu giảm.

"Ví dụ, khi R là 0,8, mỗi 100 ca nhiễm chỉ truyền bệnh cho khoảng 80 người khác, theo đó các số liệu sẽ giảm theo. Khi số ca nhiễm càng ít, số ca tử vong chắc chắn cũng ít đi", Sample giải thích.

Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng hiệu quả cũng chiếm một vai trò quan trọng. Những mũi tiêm đầu tiên được dành cho nhóm có nguy cơ tử vong lớn nhất bằng cách giúp họ xây dựng hệ miễn dịch trước virus. Vaccine cũng giúp ngăn cản đà lây lan của dịch, theo đó làm giảm hệ số R. Ngay cả khi những người đã tiêm chủng bị tái nhiễm, lượng virus trong hệ thống hô hấp của họ cũng thấp hơn, nên khó có khả năng truyền bệnh.

Chương trình tiêm chủng của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) được thiết kế để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhanh nhất có thể. Quyết định này được xem là chìa khóa trong thành công của Anh. Số vaccine đầu tiên đã được phân phối cho 9 nhóm ưu tiên theo danh sách của Ủy ban Chung về Tiêm chủng và Miễn dịch. Danh sách này bao gồm những người trên 50 tuổi cực kỳ dễ tổn thương về mặt lâm sàng, như người có bệnh lý nền hoặc đang dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch.

Trước khi triển khai vaccine, giới chức y tế cộng đồng chỉ có trong tay những dữ liệu thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của vaccine. Nhưng câu trả lời đã khá rõ ràng trong các dữ liệu gần đây.

Cơ quan Y tế Công cộng Scotland hồi tháng 2 công bố dữ liệu cho thấy tỷ lệ nhập viện đã giảm 85-94% bốn tuần sau mũi tiêm vaccine Pfizer và AstraZeneca đầu tiên.

Nhiều mô hình dự đoán Covid-19 được đệ trình lên Nhóm Cố vấn Khoa học về các trường hợp khẩn cấp (SAGE) hồi tháng 3 cũng chỉ ra số ca tử vong hàng ngày ở Anh có thể gần bằng 0 trong phần lớn tháng 5 và tháng 6, dù có thể tăng trở lại vào tháng 7 và tháng 8, khi Anh thực hiện bước ba và bước bốn trong lộ trình ứng phó Covid-19, gồm nới đi lại quốc tế và dỡ bỏ quy định giãn cách xã hội.

"Cách để ngăn chặn sự gia tăng ca nhiễm khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng là tiêm chủng cho nhiều người hơn. Cho đến nay, hành động cân bằng này dường như đang mang lại hiệu quả. Phong tỏa và tiêm chủng có lẽ là nguyên nhân khiến số ca nhiễm ở Anh giảm", Sample viết, nhưng thêm rằng câu hỏi cấp bách nhất với Anh hiện tại là điều gì sẽ xảy ra sau khi bước ba và bước bốn của lộ trình, dự kiến thực hiện vào ngày 17/5 và 21/6.

Đây cũng là điều khiến một số chuyên gia lo lắng. Phát biểu trên BBC Breakfast ngày 5/5, giáo sư Stephen Reicher, thành viên của SAGE, không ủng hộ đề xuất bỏ các biện pháp giãn cách xã hội của Thủ tướng Johnson.

"Nếu chúng ta tin rằng mình đã thực sự an toàn, nếu chúng ta bắt đầu mở cửa xã hội mà không có các biện pháp phòng ngừa, chúng ta sẽ gặp rắc rối thực sự", ông nói. "Hãy nhớ rằng hai tháng trước, Ấn Độ cũng từng tuyên bố đại dịch đã qua, giờ họ ghi nhận tới 400.000 ca nhiễm mỗi ngày".

Nguồn: Thanh Tâm/ vnexpress.net

Bài liên quan