Anh và EU “uể oải” bước vào vòng đàm phán Brexit thứ 5

Ngày 9/10, Anh và Liên minh châu Âu bước vào phiên đàm phán thứ 5 liên quan đến những điều khoản của Brexit, tức là việc Anh rời khỏi ngôi nhà chung EU.

Trong bối cảnh tiến trình đàm phán đang lâm vào bế tắc và giữa lúc chính trường nước Anh có nhiều xáo động, giới quan sát, cũng như các nhà lãnh đạo Anh và Liên minh châu Âu đều không kỳ vọng những cuộc thảo luận lần này sẽ tạo ra bước đột phá.

Trước thềm các cuộc thảo luận, Ủy ban châu Âu đã không kỳ vọng các bên có thể đạt được bước tiến đủ để nhà đàm phán hàng đầu Liên minh châu Âu Michel Barnier có thể ra khuyến nghị mở giai đoạn 2 của tiến trình đàm phán về khuôn khổ mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu.

Quyết định phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU, dự kiến sẽ nhóm họp cấp cao vào ngày 19 và 20/10 tới.

426 Content 1 53
Thủ tướng Anh dự kiến đá “quả bóng” đàm phán Brexit về phía EU trong lần đàm phán thứ 5 này. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, để có thể khởi động giai đoạn thứ 2 của tiến trình đàm phán, EU còn cần phải đợi những bước tiến đạt được về những điều khoản “chia tay”, tức là kết quả của giai đoạn đầu tiên, và đặc biệt là về 3 vấn đề mấu chốt là nghĩa vụ tài chính của Anh, quyền của công dân châu Âu tại Anh, cũng như của công dân Anh tại EU và biên giới Bắc Ailen.

Trong một phát biểu hồi tuần trước tại Nghị viện châu Âu, ông Michel Barnier đã thừa nhận, vẫn chưa đạt được đủ những tiến triển cần thiết trong những vấn đề này để các bên có thể hoàn toàn tự tin bước vào giai đoạn đàm phán tiếp theo.

“Một số bất đồng nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt liên quan tới vấn đề tài chính”, ông Michel Barnier nhận định. “Về vấn đề này, như tôi đã nói trước đây, đó là 27 nước thành viên EU sẽ không trả tiền cho những gì mà 28 nước đã quyết định. Những người trả thuế tại 27 nước thành viên sẽ không gánh hậu quả của quyết định mà họ không đưa ra”.

Trước đó, hôm 28/9 vừa qua, sau vòng đàm phán thứ 4, ông Michel Barnier đã đề cập tới “một động lực mới” cho các cuộc đàm phán lấy cảm hứng từ bài phát biểu của Thủ tướng Theresa May tại Florence khi người đứng đầu nước này lần đầu tiên tuyên bố ủng hộ một giai đoạn chuyển tiếp khoảng 2 năm sau chia tay và tìm cách trấn an châu Âu rằng, Anh sẽ tôn trọng những cam kết về ngân sách.

Tuy nhiên, một ngày sau phát biểu của ông Michel Barnier, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng, các cuộc đàm phán hiện nay cần phải đạt được kỳ tích mới có thể chuyển sang giai đoạn thứ 2 ngay từ cuộc họp Hội đồng châu Âu vào ngày 19 và 20/10 tới.

“Chúng ta vẫn chưa đạt đủ những bước tiến cần thiết”, ông Jean-Claude Juncker nhận định. Nhà đàm phán hàng đầu Liên minh châu Âu về Brexit Michel Barnier đã đạt được những bước tiến lớn về quyền công dân, song vai trò không thể thiếu của Tòa án Công lý châu Âu trong đảm bảo những quyền này vẫn cần phải được làm rõ.

Cho tới lúc này, tôi không thể nói rằng chúng ta đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn đàm phán thứ 2”.

Bài phát biểu không mấy suôn sẻ của Thủ tướng Theresa May tại đại hội hàng năm đảng Bảo thủ hồi tuần trước tại Manchester và sự quay lưng của các nghị sĩ bảo thủ đã phần nào khiến các nhà đàm phán không thể duy trì sự lạc quan ban đầu.

Và cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh có thể bị đẩy lên một nấc thang mới khi Sunday Times ngày 8/10 nhận định, nhà lãnh đạo bảo thủ Anh không loại trừ khả năng bãi nhiệm Ngoại trưởng Boris Johnson.

Ông này hồi tháng 9 đã bất ngờ nhắc lại quan điểm của mình về một “Brexit cứng”, một động thái mà nhiều nhà quan sát cho là một cuộc tấn công nhằm vào chính sách của bà Theresa May.

Trước sự không chắc chắn về chính trị này tại Anh, các nhà ngoại giao và quan chức châu Âu dường như cũng đã chuẩn bị tâm lý cho một kịch bản các bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận này. Đây cũng là điều mà rất nhiều người châu Âu đã bắt đầu nghĩ tới vào thời điểm hiện nay.

Nguồn: VOV

Bài liên quan