Đảng Bảo Thủ và Thủ tướng Anh Boris Johnson liên tiếp hứng chịu những 'cú đòn choáng váng' ở trong nước, khiến áp lực gia tăng trở lại sau khi nhà lãnh đạo Anh vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chưa lâu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: CNN.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 6/6 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Cuộc bỏ phiếu được tổ chức sau khi chính 54 nghị sĩ Đảng Bảo thủ cầm quyền của ông yêu cầu tổ chức bỏ phiếu lấy tín nhiệm đối với nhà lãnh đạo Anh. Ông Johnson ca ngợi kết quả này là thuyết phục, đồng thời cam kết chính phủ và đảng Bảo thủ sẽ tiếp tục tập trung vào các vấn đề mà người dân thực sự quan tâm.
Thời điểm đó, sóng gió tưởng như đã qua đi đối với cá nhân Thủ tướng Johnson và đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy 1 tuần qua, hàng loạt “cơn gió nghịch” đã xuất hiện.
Theo số liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 22/6, lạm phát hằng năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương người lao động, giá cả sinh hoạt của người dân và tạo thêm sức ép đối với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong việc duy trì nâng lãi suất.
Cụ thể, lạm phát tại Anh đã tăng từ mức 9% trong tháng 4 lên 9,1% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 1982. BoE dự báo lạm phát có khả năng sẽ tăng lên mức 11% trước cuối năm nay do giá năng lượng tăng mạnh. Nhà kinh tế trưởng ONS Grant Fitzner cho biết nguyên nhân khiến lạm phát tăng lên là do giá thực phẩm leo thang trong khi giá xăng đạt mức kỷ lục.
Mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ đang kéo theo cuộc khủng hoảng về giá sinh hoạt. Tuần này, hàng chục nghìn công nhân đường sắt Anh đã tiến hành cuộc đình công lớn nhất của ngành trong hơn 30 năm, khiến hệ thống đường sắt “xứ sở sương mù” gần như tê liệt. Giới luật sư tại vùng England và xứ Wales ủng hộ tiếp tục đình công vào tuần tới, trong khi các giáo viên, nhân viên của cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) và bưu điện cũng đang cân nhắc động thái tương tự.
Áp lực tiếp tục gia tăng đối với đảng Bảo thủ và chính phủ của Thủ tướng Johnson. Kết quả cuộc bầu cử bổ sung được công bố ngày 24/6 cho thấy đảng cầm quyền đã để thua ở hai khu vực bỏ phiếu quan trọng là Wakefield cùng Tiverton và Honiton.
Đảng Bảo thủ đã hứng chịu 2 thất bại cùng lúc, trong đó có việc đánh mất một ghế đại diện vùng Tây Nam xứ England vốn do đại diện của đảng này nắm giữ suốt một thế kỷ qua. Kết quả trên đưa đến quyết định từ chức của Chủ tịch đảng Bảo thủ Oliver Dowden.
Cụ thể, đảng Bảo thủ đã mất ghế đại diện đơn vị bầu cử Tiverton và Honiton vào tay đại diện của đảng trung lập Tự do dân chủ. Trong khi đó, đảng đối lập chính là Công đảng đã lấy lại ghế đại diện đơn vị bầu cử Wakefield ở phía Bắc xứ England trước đó rơi vào tay đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019, khi đảng của Thủ tướng Johnson giành chiến thắng thuyết phục với cam kết hoàn tất quá trình Brexit (rời khỏi Liên minh châu Âu) kéo dài dai dẳng.
Ứng cử viên Richard Foord của đảng Dân chủ Tự do giành chiến thắng trước ứng cử viên của đảng Bảo thủ cầm quyền ở khu vực Tiverton và Honiton. Ảnh: CNN.
Đây được coi là cú sốc kép làm gia tăng áp lực đối với đương kim Thủ tướng Anh. Các cuộc bỏ phiếu được tổ chức ngày 23/6 sau khi 2 nghị sĩ của đảng Bảo thủ đại diện cho các vùng trên từ chức vì liên quan các bê bối bị phát hiện trong những tháng gần đây.
Ngay sau đó, Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Oliver Dowden đã tuyên bố từ chức, cho rằng cần có người đứng ra chịu trách nhiệm về kết quả trên. Trong thư từ chức gửi Thủ tướng Johnson, ông Dowden nêu rõ thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội bổ sung ngày 23/6 tiếp tục nối dài những kết quả yếu kém của đảng.
Ông bày tỏ thông cảm với những người ủng hộ đảng nhưng đang cảm thấy bất bình và thất vọng vì những gì diễn ra trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh đảng Bảo thủ không thể tiếp tục hoạt động như vậy mà cần có người đứng ra chịu trách nhiệm. Hoàn cảnh này đã thôi thúc ông đi đến quyết định từ chức.
Các thất bại của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử bổ sung vừa qua chắc chắn gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Johnson. Ngày 24/6, nhà lãnh đạo Anh tuyên bố ông sẽ không từ chức dù kết quả bầu cử có như thế nào. Người đứng đầu Số 10 Phố Downing nhấn mạnh Chính phủ Anh cần “lắng nghe kết quả thất bại này”. Phát biểu với báo giới khi đang có chuyến thăm tới Rwanda, Thủ tướng Johnson gọi đây là “kết quả khó khăn, phản ánh nhiều điều”, đồng thời thừa nhận cử tri Anh đang trải qua một giai đoạn cam go.
Kết quả cuộc bầu cử bổ sung này rất quan trọng và liên quan chặt chẽ đến đảng Bảo thủ cầm quyền, vì hai lý do. Thất bại tại Tiverton và Honiton có nghĩa là nhiều ghế một thời an toàn tại các khu vực bầu cử ở miền nam và miền tây xứ England có thể gặp rủi ro trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Trong khi kết quả bầu cử tại khu vực Wakefield cho thấy Công đảng đối lập có thể giành lại nhiều ghế từng để mất vào tay đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2019.
Không dừng lại ở đó, Thủ tướng Johnson cũng đang phải đối mặt với nhiều vụ bê bối khác, vốn ảnh hưởng đến uy tín của nhà lãnh đạo Anh trong các cuộc thăm dò gần đây. Một trong các vụ bê bối đó là cáo buộc sử dụng không phù hợp khoản tiền của các nhà tài trợ để chi trả cho việc tân trang lại tòa nhà ở Phố Downing của ông.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt leo thang, Chính phủ Anh có rất ít công cụ để hỗ trợ người dân. Dù đã triển khai các khoản trợ giá năng lượng và giúp đỡ những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, song với tốc độ lạm phát vốn ở mức cao nhất 40 năm như hiện nay, các giải pháp đó về cơ bản chưa giải quyết được các vấn đề.
Thủ tướng Johnson đã đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và vượt qua. Ông cũng có thể phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu khác trước cuối năm nay. Tuy nhiên, một vấn đề mà một số nghị sĩ đảng Bảo thủ đang lặng lẽ đặt ra là liệu có ai có khả năng “làm mới lại thương hiệu” cho đảng này, như chính ông Johnson đã làm vào năm 2019, và dẫn dắt đảng Bảo thủ đến một chiến thắng nữa hay không?
Thanh Tuấn (Theo CNN, The Guardian)
Nguồn: baotintuc.vn