Bên trong nơi tổ chức đám cưới của Hoàng tử Anh Harry

Nhà nguyện nơi Hoàng tử Harry và hôn thê Meghan Markle sẽ kết hôn từng chứng kiến nhiều thế kỷ biến động của lịch sử nước Anh.

426 Content Ml
Bên trong nhà nguyện treo những lá cờ nhiều màu sắc tượng trưng cho Tước hiệu Hiệp sĩ Garter. Ảnh: AFP.

Là nơi an nghỉ cuối cùng của nhiều vị vua, nữ hoàng và mang phong cách hiệp sĩ Anh, nhà nguyện thuộc lâu đài Windsor đã chứng kiến nhiều đám cưới hoàng gia và sự kiện quan trọng của đất nước, theo AFP.

Khi Hoàng tử Anh Harry và hôn thê người Mỹ Meghan Markle làm đám cưới vào ngày 19/5 tại nhà nguyện này, vây quanh họ sẽ là những dấu ấn của nhiều đời tổ tiên, các di tích lịch sử vô giá cùng nhiều huy hiệu có từ thời Trung cổ.

Lấy cảm hứng từ Hội hiệp sĩ Bàn tròn của vua Arthur, vua Edward III đã lập nên Tước hiệu Hiệp sĩ Garter vào năm 1348. Garter là tước hiệu hiệp sĩ cao quý nhất còn tồn tại đến ngày nay. Vua Edward III cũng cho xây dựng nhà nguyện trong lâu đài Windsor và chọn làm nơi thờ Thánh George, thánh bảo trợ của nước Anh.

Trong những nghi lễ hàng năm, các hiệp sĩ sẽ đến nhà nguyện trong một cuộc diễu hành lớn. Họ mặc áo choàng tước hiệu Garter, loại áo choàng nhung không tay màu xanh, và mũ nhung đen đính lông đà điểu tinh xảo.

Những thành viên hiện nay của hội hiệp sĩ Anh gồm cựu thủ tướng John Major, cựu thống đốc ngân hàng Anh Mervyn King, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Anh (MI5) Eliza Manningham-Buller. Những hiệp sĩ nước ngoài có vua Tây Ban Nha, vua Na Uy, vua Thụy Điển và Nhật hoàng Akihito. Anh trai Hoàng tử Harry, Hoàng tử William, là hiệp sĩ thứ 1.000.

426 Content Mlq
Hoàng tử Anh Harry và hôn thê sẽ tổ chức đám cưới vào ngày 19/5. Ảnh: AP.

Kiệt tác kiến trúc Gothic

Nhà nguyện được xây lại hoàn toàn trong khoảng thời gian từ năm 1475 đến năm 1528 và trở thành một kiệt tác kiến trúc Gothic như hiện nay.

Trần mái vòm bằng đá được chạm khắc tinh xảo và cửa sổ nhiều màu sắc khiến nhà nguyện trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp lộng lẫy. Thanh kiếm dài 2,03 m từng bên cạnh vua Edward III được treo tại một trong những lối đi. Mái nhà được đắp 76 bức tượng Nữ hoàng Quái thú, mô phỏng 14 loài động vật trên huy hiệu hoàng gia như sư tử vàng của Anh, rồng đỏ đại diện xứ Wales hay chim ưng bạc của xứ York.

Hoàng tử Harry, cháu trai Nữ hoàng Elizabeth II, đã được rửa tội tại nhà nguyện này vào tháng 12/1984.

Bên dưới nhà nguyện là hầm mộ hoàng gia, nơi đặt thi thể vua George III, George IV và William IV. Vua George V nằm gần cửa phía tây, trong khi con trai ông và cũng là cha Nữ hoàng Elizabeth, vua George VI, có nhà thờ tưởng niệm của riêng mình. Vợ ông, hoàng hậu Elizabeth, và tro cốt con gái họ là công chúa Margaret, được chôn cất bên cạnh ông vào năm 2002.

Những đám cưới từng diễn ra tại nhà nguyện

426 Content Nha
Nhà nguyện ở lâu đài Windsor nhìn từ bên ngoài. Ảnh: AFP.

Bên cạnh việc mai táng và tang lễ, nhà nguyện cũng là nơi chứng kiến nhiều đám cưới hoàng gia, đặc biệt dưới triều đại Nữ hoàng Victoria. Xu hướng tổ chức đám cưới tại nhà nguyện ở lâu đài Windsor được khôi phục trong những thập kỷ gần đây.

Con trai út của Nữ hoàng Elizabeth là Hoàng tử Edward đã kết hôn tại nhà nguyện bên trong lâu đài Windsor vào năm 1999. Khi Thái tử Charles (cha Hoàng tử Harry) tái hôn vào năm 2005, đám cưới không thể diễn ra tại nhà nguyện vì cả ông Charles và bà Camilla đều đã ly hôn.

Đám cưới hoàng gia gần nhất diễn ra tại nhà nguyện là vào năm 2008, khi cháu đầu của Nữ hoàng Elizabeth, Peter Phillips, kết hôn với một phụ nữ Canada, Autumn Kelly.

Nhà nguyện Thánh George ở lâu đài Windsor cũng là nơi tổ chức một đám cưới hoàng gia khác vào cuối năm nay. Công chúa Eugenie, cháu Nữ hoàng Elizabeth, con gái Hoàng tử Andrew và là người đứng thứ 9 trong hàng thừa kế, sẽ kết hôn với Jack Brooksbank vào ngày 12/10.

Huyền Lê/vnexpress

Bài liên quan