Theo điều tra của The Guardian (Anh) và Le Monde (Pháp) qua tài liệu từ Liên đoàn Xe đạp Thế giới (UCI) cho thấy: Tay đua danh tiếng Chris Froome đã bị phát hiện có nồng độ chất cấm salbutamol trong mẫu thử nước tiểu cao gấp đôi so với quy định của Ủy ban Phòng, chống doping thế giới (WADA), khi đang thi đấu ở giải Vuelta a Espana 2017.
Tại giải Vuelta a Espana năm nay, Froome giành chiến thắng để trở thành cua-rơ thứ ba trong lịch sử vô địch Tour de France và Vuelta a Espana trong cùng một năm. Cùng thời điểm thi đấu giải Vuelta a Espana từ ngày 7 đến 20-9, thì Froome cũng đoạt Huy chương Đồng nội dung đua cá nhân tính giờ tại giải vô địch thế giới vào ngày 17-9.
Sau khi lên bục nhận Huy chương Đồng ở giải vô địch thế giới, Chris Froome đã được đưa đi lấy mẫu nước tiểu theo quy định và kết quả cho thấy, trong mẫu thử của cua-rơ người Anh có nồng độ chất cấm salbutamol cao vượt mức cho phép.
Đội Sky và Froome đã được thông báo về kết quả cuộc kiểm tra doping trên. Tuy nhiên, đội Sky đã ra thông báo phủ nhận (sau khi các thông tin được đăng tải trên The Guardian, Le Monde), giải thích việc Froome có nồng độ chất cấm salbutamol trong mẫu thử nước tiểu cao gấp đôi so với quy định của WADA, do khi thi đấu ở Vuelta a Espana 2017, Froome đã lên cơn hen suyễn cấp tính nên mới sử dụng thuốc với liều cao để trị bệnh. Tuy nhiên, giới truyền thông đang ồ ạt tấn công UCI lẫn WADA khi dồn dập đặt câu hỏi: Tại sao lại ém sự việc trên, sao không đưa ra án phạt đối với Froome; và liệu vụ việc đáng xấu hổ này có bị “chìm xuồng”…?
Đến lúc này, cả WADA lẫn UCI vẫn chưa đưa ra lời giải thích nào; còn lãnh đạo đội Sky thì giải trình thêm: Do Froome bị bệnh hen suyễn từ nhỏ nên phải thường sử dụng thuốc salbutamol và đều trong liều lượng cho phép. Chỉ khi bị cấp tính như ở giải Vuelta a Espana 2017 mới sử dụng liều cao do bác sĩ chỉ định. Còn Froome không bao giờ tự ý sử dụng thuốc mà chưa được bác sĩ cho phép cũng như làm trái các quy định về doping.
Khi được hỏi về sự việc trên, cua-rơ tai tiếng Lance Armstrong (Mỹ) khẳng định: “Froome chắc chắn sử dụng doping nhưng đã che giấu cực kỳ tinh vi”. Ngay lập tức, Froome đã phản bác lại: “Tôi không bao giờ liên quan tới doping”.
Dù Froome chưa chính thức bị phạt nhưng trước sức ép từ giới truyền thông lẫn người hâm mộ, sẽ buộc WADA, UCI phải thực hiện các bước để xử lý cua-rơ người Anh và đội Sky (nếu có biểu hiện bao che, khuyến khích tay đua của đội sử dụng doping). Mọi việc vẫn đang được điều tra nhưng danh tiếng của Froome và đội đua Sky đang bị tổn hại nghiêm trọng. Khả năng trước mắt Froome sẽ bị tước danh hiệu vô địch Vuelta a Espana 2017, Huy chương Đồng giải vô địch thế giới 2017, thậm chí tất cả các danh hiệu ở Tour de France, và bị cấm dự giải đua này trong năm 2018.
Sinh ở Kenya và lớn lên ở Nam Phi, kể từ đầu năm 2008, Froome thi đấu dưới giấy phép Vương quốc Anh trên cơ sở hộ chiếu của mình và đất nước của cha và ông bà sinh ra. Trong năm 2012, lịch sử của thể thao Vương quốc Anh, tay đua Bradley Wiggins đã vô địch Tour de France với sự trợ giúp đắc lực của người đồng đội Chris Froome. Kết quả là Wiggins vô địch còn Froome về thứ hai. Tất cả đều nhắc tới nhà vô địch Tour de France Wiggins, nhưng cũng biết Froome góp công lớn vào kỳ tích trên. Đến Olympic London 2012, một lần nữa Froome lại về nhì và Wiggins giành Huy chương Vàng để trở thành người đầu tiên vô địch cả Tour de France và giành Huy chương Vàng Olympic trong một năm. Wiggins đã được phong tước Hiệp sĩ (Sir Bradley Wiggins). Còn Froome, sau khi vô địch Tour de France 2015 đã thề: “Không bao giờ làm ô nhục chiếc áo vàng của nhà vô địch”. Nay thì…
*Froome, 32 tuổi, sinh ở Kenya, lớn lên ở Nam Phi, đã 4 lần vô địch Tour de France vào các năm 2013, 2015, 2016 và 2017.
*Vuelta a Espana là một trong ba Grand Tour danh giá của làng đua xe đạp thế giới, bên cạnh Tour de France (Pháp) và Giro d’Italia (Italia).
MINH MINH
Theo qdnd