Bộ trưởng Anh bị đòi từ chức vì gây hại cho đất nước

Thủ tướng Anh Theresa May đang chịu sức ép phải cách chức hai Bộ trưởng đã phạm những sai lầm gây tổn thất cho quyền lợi quốc gia và người dân Anh, theo báo Independent.

426 Content 433
ảnh minh họa

Các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền đã cùng phe đối lập đòi bà May sa thải Ngoại trưởng Boris Johnson và nữ Bộ trưởng Phát triển quốc tế Priti Patel, người được coi là thủ lĩnh tương lai của đảng Bảo thủ.

Sự phẫn nộ của họ dồn vào một chuyến nghỉ hè ở Israel từ ngày 13 đến 25.8 của bà Patel cùng gia đình. Bà giấu Phủ Thủ tướng Anh, không báo cáo trong chuyến nghỉ này, vào ngày 24.8, bà đã có 12 cuộc gặp nhiều chính khách Israel, gồm Thủ tướng Minister Benjamin Netanyahu, theo thông tin của BBC hôm 3.11.

Nói chuyện riêng, ngược chính sách Anh

Cùng ngày 3.11, khi trả lời phỏng vấn của báo Guardian, bà Patel nói Ngoại trưởng Johnson và Bộ Ngoại giao Anh biết các cuộc gặp này.

Hôm đó, Thủ tướng May mới biết các cuộc gặp của bà Patel qua báo chí, trong khi ngày 2.11, bà đã có tiếp Thủ tướng Israel tại London.

Ngày 6.11, vị Thủ tướng khiển trách bà Bộ trưởng trong một cuộc giao ban, và yêu cầu bà Patel phải báo cáo chi tiết việc bà đã gặp những ai, nói chuyện gì.

Khuya 7.11, nổi lên thông tin bà Patek bàn với các chính khách Israel, về khả năng Anh dùng tiền mặt viện trợ cho quân đội Israel (IDF) để lực lượng này yểm hộ dân tị nạn của nội chiến Syria đến Cao nguyên Golan.

Đây là nơi IDF có hoạt động nhân đạo mang tên Chiến dịch Hàng xóm tốt để giúp dân thường Syria bị thương tìm đến-thường vào ban đêm để được các bệnh viện dã chiến của IDF chữa trị. IDF cũng được cho là có một bệnh viện dã chiến nhỏ ở một vị trí bí mật thuộc Syria.

Anh không công nhận sự hiện diện thường trực của IDF ở Cao nguyên Golan (Syria chiếm sau cuộc chiến tranh năm 1967) nên việc viện trợ cho IDF ở đây hoặc ở các vùng chiếm đóng khác là đi ngược chính sách của Anh. Chính quyền Palestine đã phản đối ý tưởng này.

Phủ Thủ tướng Anh khẳng định bà Patel đã không báo cáo bà May biết về ý tưởng trên, trong cuộc họp giao ban hôm 6.11.

Phủ Thủ tướng cũng phê bình bà “tạo ấn tượng giả” khi trả lời phỏng vấn của báo Guardian hôm 3.11 rằng Ngoại trưởng Johnson và Bộ Ngoại giao Anh biết các cuộc gặp này.

Ngày 8.11, Bộ Phát triển quốc tế (DfID) xác nhận bà Patel hồi tháng 9 còn có 2 cuộc gặp những quan chức Israel khác, mà không báo cáo chính phủ Anh:

Ngày 7.9, bà gặp Bộ trưởng an ninh Gilad Erdan, cùng ông này chụp ảnh trong sân trụ sở Hạ viện Anh.

Ngày 18.9, ở New York, bà gặp Yuval Rotem, một quan chức Bộ Ngoại giao Israel.

Và trong 13/14 cuộc gặp các quan chức Israel hồi tháng 8 và tháng 9, đi cùng bà Patel là Ngài Polak, một nhà vận động hành lang và là một thành viên lãnh đạo của Những người bạn bảo thủ của Israel (CFI), một tổ chức vận động hành lang.

Tuyên bố của bà Patel và DfID nêu không có chuyện đã báo cáo các cuộc gặp quan chức Israel cho Bộ Ngoại giao Anh biết trước, và ông Johnson chỉ biết sau. Và chuyến nghỉ hè của gia đình bà là do bà bỏ tiền túi.

Khi được hỏi liệu bà Patel sẽ bị phê bình hoặc khiển trách gì nữa hay không, Số 10 Phố Downing nói chưa rõ bà Patel có vi phạm qui đạo đức đối với bộ trưởng hay không. Và qui định này cần được sửa đổi, để loại bỏ bất kỳ sự tối nghĩa nào.

Hạ viện Anh đã yêu cầu bà Patel giải trình, nhưng bà không đến dự vì có chuyến đi khác đến Ethiopia và Uganda, điều khiến Công đảng và các đảng đối lập khác phẫn nộ.

Bà Kate Osamor (sẽ là Bộ trưởng phát triển quốc tế, nếu Công đảng nắm quyền) nói bà Patel “nên làm điều đáng làm là từ chức” vì đã vi phạm qui định hành xử công chức.

Đảng Dân chủ tự do nói bà Patel đã đánh mất sự tôn trọng của các đồng nhiệm và công chức, thì nên “ra đi”.

Ngoại trưởng bị “lỡ miệng”

Trong khi đó, Ngoại trưởng Johnson phải tự bào chữa về những bình luận của ông trong vụ Nazanin Zaghari-Ratcliffe: một phụ nữ Anh 38 tuổi bị Iran bắt và tuyên án 5 năm tù vì tội tuyên truyền chống phá chính quyền Iran.

Bà Zaghari-Ratcliffe khi bào chữa đã nói bà đến Iran để nghỉ hè, chưa bao giờ giảng dạy gì cho giới báo chí Iran.

Nhưng trong một cuộc giải trình trước Quốc hội Anh, ông Johnson lại nói sai rằng bà Zaghari-Ratcliffe có giảng dạy cho giới báo chí Iran. Lời của ông khiến tòa án Iran lại giải bà Zaghari-Ratcliffe ra tòa, dọa chồng thêm bản án 5 năm tù nữa.

Trong nỗ lực biện hộ cho sai lầm của ông Johnson, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liam Fox (cùng bà Patel đi công tác châu Phi) nói lời lẽ của ngoại trưởng là “tuột khỏi miệng” và ai cũng có thể buột miệng.

Nhưng một nghị sĩ lão thành của đảng Bảo thủ nói với báo Independent: “Johnson nên ra đi. Sao ông ấy lại có thể buông thả lời nói, khi sự tự do, sức khỏe của một công dân Anh bị đe dọa. Tôi xấu hổ khi nghe Liam Fox cố bào chữa cho ông ấy”.

Cựu bộ trưởng Anna Soubry của Bảo thủ viết Twitter: “Bình thường thì Johnson đáng bị sa thải. Việc thiếu ăn năn rất đáng xấu hổ. Johnson không hiểu được tầm cỡ của nhiệm vụ và trách nhiệm của ông ấy”.

Ngoại trưởng Johnson đã gọi điện cho người đồng nhiệm Iran, nhằm khắc phục hậu quả. Ông cũng xin lỗi các nghị sĩ Anh, nếu lời giải trình sai của ông về người phụ nữ Anh bị tù ở Iran đã khiến gia đình bà phải lo lắng.

“Bộ trưởng phải có tinh thần trách nhiệm trước tập thể”

Số 10 Phố Downing nói Thủ tướng May “hoàn toàn tin tưởng” vị Ngoại trưởng. Người phát ngôn của bà nói: “Ngoại trưởng làm tốt nhiệm vụ, tích cực làm việc để đại diện quyền lợi của Anh ở nước ngoài”.

Nhưng việc không kỷ luật các bộ trưởng chỉ càng làm khó cho vị thế của bà May, người đã phải chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon, người bị cáo buộc đã có những hành vi sàm sỡ tính dục đối với hai nhà báo nữ.

Sau vụ này, bà May còn làm suy yếu thêm quyền lực vốn đã suy yếu của bà, khi chọn một người trung thành không có nhiều kinh nghiệm thay ông Callon nắm Bộ Quốc phòng.

Tiếp đó, hai Bộ trưởng Damian Green và Mark Garnier cũng có thể bị điều tra vì những hành xử “bất chính” tương tự ông Fallon.

Một nghị sĩ Bảo thủ nói với báo Independent: “Các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm tập thể, chớ nên dính líu những hoạt động gây tổn thất cho công việc chung của chính phủ. Các bộ trưởng có thể tình cờ gặp người này người kia, nhưng phải luôn báo cáo chính phủ biết. Bạn chớ nên tự cho phép mình bị lôi kéo vào những tour du lịch, gặp gỡ, nhất là khi các hoạt động liên quan vai trò chính thức của bạn. Nếu Thủ tướng muốn sa thải những bộ trưởng kiểu này, thì bà vẫn có thể sa thải”.

Nguồn: Xaluan.com

Bài liên quan