Ngày 19/03/2018, Liên Hiệp Châu Âu và Luân Đôn đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng về giai đoạn hậu Brexit. Cụ thể là thời gian chuyển tiếp sẽ kéo dài hai năm (từ tháng 03/2019 đến tháng 12/2020) và Anh Quốc được giữ mọi quyền lợi trong khối thị trường chung trong thời gian này.
Ngoài ra, công dân Liên Âu đến Vương Quốc Anh trong giai đoạn chuyển tiếp cũng sẽ được hưởng những quyền lợi giống như những người đến trước thời điểm Brexit.
Tuy nhiên, vấn đề đường biên giới Anh Quốc – Bắc Ailen, dù đạt được một thỏa thuận tạm thời do không có giải pháp cụ thể, vẫn là một trở ngại giữa Bruxelles và Luân Đôn.
Thông tín viên RFI Muriel Delcroix giải thích từ Luân Đôn :
« Sau thời gian đầu dứt khoát bác bỏ, thủ tướng Theresa May cuối cùng phải chấp nhận rằng, vì không có giải pháp để tránh tái lập « đường biên giới cụ thể » giữa Cộng Hòa Ailen và Bắc Ailen (thuộc Anh), nên Luân Đôn đành theo giải pháp do Bruxelles đề xuất, có nghĩa là thành lập một không gian có quy định rõ ràng, bao gồm 27 nước Liên Hiệp Châu Âu và Bắc Ailen.
Tuy nhiên, với ông Chuka Umunna, nghị sĩ Công Đảng và là người ủng hộ châu Âu, thỏa hiệp này chỉ tạm hoãn vấn đề mà thôi. Ông nói : « Lại một lần nữa, dường như vấn đề đường biên giới giữa hai vùng Ailen lại bị tránh né. Vì nếu các nhà thương thuyết chấp nhận thêm cả giải pháp được gọi là « an toàn » để Bắc Ailen nằm trong thị trường chung và liên minh thuế quan, tôi không chắc là phần còn lại của nước Anh sẽ chấp nhận điều này và họ sẽ muốn được hưởng quy chế tương tự ».
Đối với nhiều người Anh, trước tiên là những người ủng hộ Brexit, việc chuyển dịch trên thực tế đường biên giới trên biển Ailen là điều không thể chấp nhận được và nếu thủ tướng Anh Theresa May nhượng bộ, thì đó là một vụ tự sát chính trị. Vì vậy, Luân Đôn sẽ tìm cách đưa ra một giải pháp khác trong những tháng tới đây, cho dù nhiều người thực sự nghi ngờ về khả năng chính phủ giải quyết được vấn đề mà họ cho là nan giải.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/