Tình hình nội bộ nước Anh chiếm trang nhất hai tờ báo Le Monde và Les Echos hôm nay và cũng là một trong những đề tài nổi bật trên các báo khác. Tờ Libération trở lại sự kiện hôm qua nghị sĩ bảo thủ Phillip Lee, ngay vào lúc thủ tướng Boris Johnson phát biểu trước Hạ Viện, đã bỏ sang ngồi bên phía đảng Tự Do Dân Chủ, khiến thủ tướng Anh bị mất đa số và kể từ nay đứng đầu một chính phủ thiểu số.
Các nghị sĩ Anh chờ kết quả cuộc bỏ phiếu tối ngày 03/09/2019
Tờ Libération cho biết, bản thân thủ tướng Johnson bị bất ngờ cũng như toàn bộ các nghị sĩ Hạ Viện, vì Phillip Lee đã không hề báo trước cho ông về quyết định này. Dấu hiệu quá rõ ràng : Nghị viện nổi loạn chống chính phủ, một chuyện chưa từng có. Tờ báo ghi nhận tầm mức sự phẫn nộ của các nghị sĩ đã được thể hiện ngay từ khi thủ tướng bắt đầu phát biểu, với những tiếng la ó, chửi mắng từ hàng ngũ đối lập. Nhưng mở đầu bài diễn văn, ông Johnson nhắc lại 03/09 là ngày nước Anh tham chiến trong Thế chiến thứ hai. Ông cố tình chọn những từ ngữ, để cho thấy là ông đang trong một cuộc chiến chống các nghị sĩ, chống Quốc Hội, chống Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng theo tờ Le Monde, thủ tướng Boris Johnson không thể quyết định việc giải tán Hạ Viện mà không có biểu quyết và bầu cử Quốc Hội trước thời hạn sẽ càng đẩy nhanh Brexit không thỏa thuận.
Ván bài đầy rủi ro của Johnson
Còn đối với tờ Les Echos, kêu gọi bầu cử Quốc Hội trước thời hạn là một ván bài mạo hiểm đối với thủ tướng Boris Johnson.
Theo tờ báo này, về mặt lý thuyết, thủ tướng Anh có đủ lý do để hy vọng giành lại đa số ở nghị viện, đã bị mất hôm qua, khi dân biểu Phillip Lee « đào ngũ » sang đảng Tự Do Dân Chủ. Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, đảng bảo thủ vẫn hơn 11 điểm so với đối thủ Công Đảng ( 33% so với 22% ). Nhưng việc các đảng nhỏ đang trỗi dậy mạnh mẽ, như Đảng Quốc gia Scotland hay đảng Tự Do Dân Chủ, khiến cho rất khó dự báo kết quả. Thậm chí đảng Tự Do Dân Chủ và Công Đảng sẵn sàng nhường chỗ cho nhau tại những nơi mà họ có cơ may thắng cử nhiều nhất.
Vấn đề là, theo Les Echos, trong bối cảnh rối ren ở nghị viện, Luân Đôn không có một đề nghị cụ thể nào với Ủy Ban Châu Âu để bàn chuyện Brexit. Các nghị sĩ chống Brexit không thỏa thuận nghi ngờ thủ tướng Johnson vẫn nhắm đến một « no deal ».
Nhân đây, Les Echos cho biết, xét về phương diện kinh tế, một Brexit không thỏa thuận sẽ khiến Anh Quốc bị mất đến 16 tỷ đôla xuất khẩu sang châu Âu, theo báo động của Liên Hiệp Quốc hôm qua. Ngành bị ảnh hưởng nặng nhất là công nghiệp xe hơi, các ngành chế biến những sản phẩm từ gia súc và ngành dệt may. Đồng thời, tờ báo lưu ý là, do tình hình chính trị rối ren hiện nay, trị giá đồng bảng Anh đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016.
Kinh tế Anh ngại Brexit « no deal »
Cũng về mặt kinh tế, tờ Le Monde thì ghi nhận: Thất nghiệp vẫn ở mức thấp, nhưng nhịp độ đầu tư đã chậm lại trong thời gian Anh Quốc chờ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Theo tờ báo này, ngoài việc tạm dừng các kế hoạch phát triển, các doanh nghiệp đang hao tốn rất nhiều năng lượng để chuẩn bị cho Brexit. Tại các công ty đa quốc gia, chi phí chuẩn bị thường lên tới hàng triệu euro, thậm chí lên tới 100 triệu trong trường hợp Airbus. Theo Le Monde, những khó khăn kinh tế hiện nay chưa phải là một sự sụp đổ, nhưng là một sự suy sụp chậm. Theo các thẩm định, trong 3 năm qua, tức là kể từ khi diễn ra trưng cầu dân ý về Brexit, Anh Quốc đã bị mất từ 2 đến 3 điểm tăng trưởng.
Hồng Kông : Lâm Trịnh Nguyệt Nga lôi kéo giới doanh nghiệp
Về tình hình Hồng Kông, tờ Le Figaro hôm nay phân tích điều mà tờ báo này gọi là « những hối tiếc có tính toán của Lâm Trịnh Nguyệt Nga ». Theo tờ báo này, trưởng đặc khu của Hồng Kông nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay chính là nhằm lôi kéo giới doanh nghiệp về với mình.
« Nếu tôi có sự lựa chọn, điều đầu tiên tôi sẽ làm là từ chức sau khi bày tỏ những lời xin lỗi chân thành ». Theo hãng tin Reuters, đó là thổ lộ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khi gặp đại diện giới doanh nghiệp vào tuần trước, vào lúc bạo lực tại thuộc địa cũ của Anh Quốc đang lên cao độ. Phát biểu bằng tiếng Anh, lãnh đạo hành pháp Hồng Kông nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng, nhìn nhận đã gây ra tình trạng hỗn loạn « không thể tha thứ được » khi vẫn cố duy trì dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Nhưng tờ Le Figaro ghi nhận, những lời thú nhận nói trên được phát biểu chỉ nhằm mục đích chinh phục giới doanh nghiệp của thành phố 7 triệu dân này, chứ không phải là để được phổ biến tới công chúng. Hôm qua, chỉ vài giờ sau tiết lộ của Reuters, trưởng đặc khu Hồng Kông khẳng định không hề có ý muốn từ chức, như là để trấn an quan thầy ở Bắc Kinh.
Vấn đề là, như người sáng lập Đảng Dân Chủ Martin Lee nhắc lại, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ là một con rối trong tay chính phủ trung ương và chính bà cũng đã thừa nhận là khuôn khổ hành động của bà « rất hạn chế ». Theo nhiều nguồn tin, dường như trưởng đặc khu Hồng Kông đã đề nghị rút hẳn dự luật dẫn độ, nhưng Bắc Kinh đã từ chối.
Về phần Le Monde, tờ báo này cho biết là các tiết lộ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã gây một cú sốc trên các mạng xã hội. Những thành phần cực đoan nhất thì lại càng quyết tâm đấu tranh chống « một chính phủ bù nhìn đã thú nhận họ chỉ là một con rối ». Những người khác, nhất là những người có học thức, thì đang suy nghĩ về việc điều chỉnh chiến lược cho thích ứng với tình hình mới. Theo một nhà hoạt động, những người trẻ hơn nghĩ rằng chính đặc khu trưởng Hồng Kông đã cố tình để lộ thông tin và một lần nữa bà lại nói dối.
Kỷ lục của cơn cuồng phong Dorian
Về thời tiết, cơn cuồng phong khủng khiếp Dorian tàn phá nặng nề quần đảo Bahamas thu hút sự chú ý đặc biệt của tờ Le Monde.
Dorian đã phá hủy 13 ngàn căn nhà và khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, theo thống kê mới nhất. Theo Le Monde, mức độ tàn phá này đáng chú ý ở chỗ nhà cửa ở Bahamas từ gần 20 năm nay vẫn được xây dựng theo những tiêu chuẩn rất gắt gao, không thua gì ở bang Florida, Hoa Kỳ, để có thể chống lại sức gió trên 200 km/giờ. Nói chung, quần đảo này vẫn được xem là được trang bị tốt nhất vùng Caribê trước những hiện tượng thời tiết mạnh như thế.
Với sức gió lên tới gần 300 km/giờ, Dorian đã phá kỷ lục năm 1935 của cơn bão dữ dội nhất của Đại Tây Dương ập vào đất liền. Tờ Le Monde nhắc lại là theo một nghiên cứu được công bố tháng 2, trong ba thập niên qua, tỷ lệ các cơn bão nhiệt đới ở vùng Đại Tây Dương đã tăng gấp ba lần. Các cơn bão gia tăng cường độ nhanh chóng thường rất khó dự báo và thường dễ biến thành các cơn cuồng phong.
Pháp : Các biện pháp chống bạo lực gia đình
Hôm qua, tại Pháp đã khai mạc hội nghị về chống bạo lực gia đình tại Pháp. Tờ Libération đề cập đến những biện pháp đầu tiên mà thủ tướng Edouard Philippe thông báo nhân dịp này.
Theo Libération, trước hết, thủ tướng Philippe thông báo sẽ chi ra 5 triệu euro, để từ ngày 01/01 năm tới xây thêm 1.000 chỗ ( bổ sung cho 5.000 chổ hiện có ) trong các trung tâm tạm lánh dành cho những phụ nữ bị chồng hoặc người sống chung bạo hành ( khoảng 220 ngàn người mỗi năm ). Thủ tướng cũng đã thông báo quyết định là kể từ nay toàn bộ phụ nữ nạn nhân bạo lực gia đình nhập viện cấp cứu do bị chồng đánh đập, đều có thể đệ đơn kiện ngay từ trong bệnh viện, chứ không chờ về đến nhà mới viết đơn, với nguy cơ là bị chồng hăm dọa. Hôm qua, thủ tướng Philippe cũng nêu lên khả năng thông qua một dự luật buộc những người chồng vũ phu phải đeo vòng điện tử để ngăn chận họ đến gần nạn nhân.
Nhưng theo Libération, các hiệp hội chuyên hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình vẫn băn khoăn về những phương tiện tài chính dành để chống tệ nạn này. Theo thẩm định Hội đồng cao cấp về bình đẳng, phải cần huy động từ 506 triệu đến 1,1 tỷ euro, trong khi hiện nay Nhà nước chỉ dành 79 triệu euro cho việc hỗ trợ các nạn nhân bạo lực gia đình.
Càng lạc quan càng sống lâu
Về y tế, theo tờ Le Figaro, các nhà khoa học vừa công nhận nhà triết học Pháp Voltaire đã có lý khi phát biểu: « Tôi quyết định sống hạnh phúc, bởi vì như thế là tốt cho sức khỏe ».
Tờ báo cho biết là một ê kíp nhà nghiên cứu, đứng đầu là giáo sư Laura Kubzansky tại Hoa Kỳ, vừa viết trong báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ: « Sự lạc quan có liên hệ với tuổi thọ cao đặc biệt, ở đàn ông cũng như phụ nữ». Nhưng vì sao sự lạc quan lại có tác động tích cực lên sức khỏe. Theo Le Figaro, trước hết đó là những người lạc quan thường là những người có nhiều vận động thể lực hơn, ít béo phì hơn, hút thuốc ít hơn, ít bị cholestérol và tiểu đường hơn những người khác.
Nhưng nghiên cứu nói trên chứng minh rằng, cho dù không tính đến lối sống lành mạnh, sự lạc quan vẫn là một yếu tố tích cực giúp cho con người sống rất thọ.
Trang nhất các báo
Le Monde đưa hàng tựa lớn « Brexit : Johnson gây chiến với Nghị Viện của ông », còn Les Echos thì cũng đưa tít tương tự : « Brexit : Đọ sức giữa Boris Johnson với Nghị Viện ». Tờ Libération chú trọng hơn đến thời sự nước Pháp với trang nhất đăng bức ảnh tổng thống Emmanuel Macron, kèm theo hàng tựa : « Macron đang tìm thêm bạn ». Theo tờ báo này, trước những hồ sơ nóng : giáo dục, môi trường, y tế, hưu trí, nguyên thủ quốc gia Pháp muốn tỏ ra hòa dịu, gần gũi dân chúng, nhưng về căn bản ông vẫn rất kiên quyết thực hiện các cải tổ.
Tờ Le Figaro thì dành tựa lớn trên trang nhất cho cuộc bầu cử hội đồng thành phố Paris vào năm tới: « Đấu tay đôi Villani-Griveaux : phe đa số bị rạn nứt ở Paris », nói về sự kiện nhà toán học kiêm dân biểu Cédric Villani, thuộc phe đa số đảng Cộng Hòa Tiến Bước, ra tranh chức đô trưởng, mặc dù đảng này đã chọn một ứng cử viên chính thức là Benjamin Griveaux, nguyên phát ngôn viên của chính phủ.
Trang nhất nhật báo Công giáo La Croix thì nêu bật « Những thất vọng của nhân viên cứu hỏa », cho biết là các nhân viên cứu hỏa, cứu hộ tại Pháp, đình công từ tháng 6, đã quyết định kéo dài phong trào này thêm hai tháng nữa, để đòi có thêm phương tiện vào lúc mà họ ngày càng làm những việc không dính gì đến cứu hỏa, cứu hộ.
Nguồn: Thanh Phương/ RFI