Trong bối cảnh, tương lai Brexit vẫn đang mịt mù, chính trường nước Anh lại chứng kiến những phen biến động mới.
Tâm điểm sự chú ý lần này tiếp tục đổ dồn vào Thủ tướng mới nhậm chức hơn 1 tháng qua, Boris Johnson, khi ông vừa nhận thất bại “kép” trên chính trường. Cụ thể, Hạ viện Anh đã thông qua một dự luật có thể buộc Thủ tướng phải trì hoãn tiến trình Brexit 3 tháng đồng thời bác bỏ đề xuất tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 tới của ông Johnson.
Những động thái này dự báo tiến trình Brexit sẽ còn đối mặt với nhiều “khúc quanh” mới và đời sống chính trị nước Anh còn nhiều thay đổi.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: The Hill
Thất bại nối tiếp thất bại
Chính trường Anh có thể nói là đang tiếp tục trải qua những thời điểm biến động lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Từ quyết định tạm treo Nghị viện Anh của ông Boris Johnson mà không ít người chỉ trích là giống như một vụ “đảo chính Hiến pháp” cho tới việc Hạ viện Anh bỏ phiếu ngăn chặn Brexit không thoả thuận, nhưng rồi cũng bác bỏ luôn cả việc tuyển cử sớm. Có thể nói, sự chia rẽ mà Brexit mang đến cho nước Anh đang tiến lên các nấc thang mới.
Đó là sự rạn nứt và đổ vỡ trong nội bộ đảng Bảo thủ.
Một nhóm nghị sĩ chống đối của đảng Bảo thủ, gồm 21 người, đã đứng về phe đối lập để bỏ phiếu chống lại chính phủ của đảng mình và những người này hiện đã bị tước bỏ tư cách đại diện của đảng Bảo thủ trong các kỳ bầu cử tới.
Trong số 21 người này, có những nghị sĩ rất được kính trọng. Nổi bật là ông Ken Clarke, người được coi là “cha già” của Nghị viện Anh vì ông là nghị sĩ có nhiệm kỳ lâu nhất tại Nghị viện Anh, từ năm 1970 đến nay. Bên cạnh đó, là vô số cựu Bộ trưởng, như cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, thành viên đảng Bảo thủ hơn 2 thập kỷ qua, hay nghị sĩ Nicholas Soames, năm nay 71 tuổi, là cháu ngoại của Thủ tướng huyền thoại của nước Anh là Winston Churchill, người đã dẫn dắt nước Anh chiến thắng trong Thế chiến II. Bản thân ông Soames cũng là nghị sĩ suốt 36 năm qua và từng cựu Bộ trưởng Quốc phòng.
Tất cả những nghị sĩ có tên tuổi và rất được nể trọng trong đảng Bảo thủ này đã chấp nhận lời đe doạ bị tước bỏ tư cách đảng viên chỉ vì họ nhận thấy rằng đảng Bảo thủ dưới thời ông Boris Johnson đang đánh mất đi bản chất của đảng này. Như ông Ken Clarke tuyên bố, đảng Bảo thủ giờ đang trở thành “một đảng Brexit với cái nhãn mác khác”. Họ không chấp nhận một thủ lĩnh như ông Boris Johnson bị cho là đặt lợi ích phe nhóm và cá nhân lên trên lợi ích quốc gia.
Họ càng không chấp nhận việc bên cạnh ông Johnson là những cố vấn quá cực đoan, độc đoán, được trao quá nhiều quyền lực dù không phải là thành viên đảng Bảo thủ, như ông Dominic Cummings, người được cho là tác giả của chiến lược Brexit hiện nay của chính phủ Anh. Vì thế, tất cả những gì đang diễn ra là một sự rạn nứt nghiêm trọng mà về lâu dài có thể phá nát đảng Bảo thủ, một trong 2 chính đảng truyền thống quyền lực nhất trong nền chính trị Anh trong gần 1 thế kỷ qua.
Nhưng, không chỉ đảng Bảo thủ hứng chịu sự đổ vỡ trong nội bộ, những gì đang diễn ra trên chính trường Anh là một sự bế tắc toàn diện của rất nhiều nhân tố. Nghị viện Anh trong hơn 3 năm qua đã bỏ phiếu chống lại tất cả mọi thứ: chống lại thoả thuận Brexit của bà Theresa May, chống lại Brexit không thoả thuận, chống lại mọi kịch bản thay thế, và giờ chống lại cả việc tuyển cử sớm.
Dư luận còn được chứng kiến các đảng đối lập tại Anh, mà tiêu biểu là Công đảng, không đưa ra được bất cứ giải pháp thay thế khả dĩ nào ngoài việc chống đối, và cho đến lúc này vẫn hết sức mập mờ giữa việc ủng hộ Brexit hay không, và nếu có, thì là một Brexit dạng nào.
Khả năng tiếp tục lùi thời điểm Brexit?
Theo lý thuyết, trong ngày 6/9, Thượng viện Anh cũng sẽ thông qua luật ngăn chặn Brexit không thoả thuận và luật này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày thứ Hai, 9/9 tới. Cũng trong ngày hôm đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ lại tiếp tục yêu cầu Hạ viện Anh bỏ phiếu lần nữa về việc tổ chức tuyển cử sớm vào ngày 15/10.
Vì thế, sẽ có hai kịch bản xảy ra. Nếu vào ngày 9/9, các nghị sĩ Anh chấp nhận tuyển cử sớm vào ngày 15/10 thì tất cả diễn biến của Brexit sẽ phụ thuộc vào cuộc tuyển cử đó.
Nếu trong cuộc tuyển cử đó, đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson chiến thắng thì ông Johnson sẽ tiếp tục làm Thủ tướng Anh và chắc chắn khi đó, với một đa số mới mạnh mẽ hơn và có tính chính danh cao hơn, không gì có thể ngăn cản ông Boris Johnson đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10/2019, mà nhiều khả năng đó sẽ là một sự ra đi không thoả thuận vì cho đến nay, giữa Anh và EU chưa có bất cứ đàm phán nào về thoả thuận Brexit mới.
Hiện tại, các phân tích cũng như thăm dò dư luận tại Anh cho thấy, nếu tuyển cử sớm thì đảng Bảo thủ vẫn chiếm ưu thế và có thể giành khoảng 32% số phiếu, cao hơn nhiều so với Công đảng, chỉ được khoảng 22% hay đảng Dân chủ-tự do, chỉ được khoảng 17%. Vì thế, đó là lí do mà ông Boris Johnson đang liên tục yêu cầu tuyển cử sớm.
Tuy nhiên, các đảng đối lập ý thức được rất rõ nguy cơ thua cuộc nếu tuyển cử sớm và khi đó nếu thua thì sẽ không còn bất cứ vũ khí nào để kiềm chế được ông Boris Johnson và nguy cơ Brexit không thoả thuận nên vào ngày 9/9 tới, gần như chắc chắn các đảng đối lập sẽ lại bác bỏ yêu cầu tuyển cử sớm.
Việc này đang phụ thuộc nhiều vào các tính toán của Công đảng và cá nhân ông Jeremy Corbyn. Ông Corbyn hiện vẫn tuyên bố là chỉ khi nào luật ngăn Brexit không thoả thuận có hiệu lực thì mới bàn đến chuyện tuyển cử sớm nên phải đợi đến thứ Hai tới mới biết quan điểm chính thức của Công đảng ra sao. Nhiều phân tích cho thấy, kể cả khi chấp thuận tuyển cử sớm thì Công đảng cũng muốn tổ chức sau ngày 31/10/2019, tức là khi đã chắc chắn là nước Anh không rời EU mà không có thoả thuận Brexit.
Vấn đề lớn hiện nay là ông Boris Johnson kiên quyết từ chối đến Brussels ngày 17/10 để đề nghị EU gia hạn Brexit và đang yêu cầu phải đề cử tri Anh lựa chọn hoặc ông hoặc ông Jeremy Corbyn, tức là tuyển cử sớm. Để làm điều đó, ông Boris Johnson có thể sử dụng chiến lược tuyên truyền việc bầu cử sớm như là một cuộc đối đầu giữa quyền lực của cử tri với quyền lực của Nghị viện và thậm chí có thể từ chức, giải tán chính phủ để buộc các đảng đối lập tiến đến bầu cử.
Cả Anh và châu Âu đều mệt mỏi vì Brexit
Dư luận Anh bao năm qua đã bị chia rẽ nghiêm trọng vì Brexit và các diễn biến hiện nay càng làm sự chia rẽ đó lớn hơn. Đó là sự chia rẽ giữa các đảng phái, giữa các nhóm cử tri ủng hộ và phản đối Brexit, giữa những người muốn Brexit cứng rắn hay Brexit linh hoạt, giữa các thành viên trong nội bộ các đảng, giữa Scotland với Vương quốc Anh…
Việc ông Boris Johnson quyết định tạm đóng cửa Nghị viện Anh trong 5 tuần còn khiến nổ ra nhiều cuộc biểu tình trong tuần qua. Nhìn chung thì dư luận Anh đã hết sức mệt mỏi với Brexit và muốn tiến trình này sớm kết thúc. Nhưng sự bất lực của các đảng phái chính trị cũng như các thiết chế, ở đây là Nghị viện Anh, trong việc đưa ra một giải pháp Brexit được tất cả chấp thuận đang khiến cho sự mệt mỏi và bất mãn trong dân chúng Anh lên cao.
Về phía châu Âu thì từ khi ông Boris Johnson lên làm Thủ tướng Anh thay bà Theresa May, phía châu Âu đã xác định sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là Brexit không thoả thuận. Thực tế thì cho đến nay, như EU thông báo, phía Anh chưa đưa ra bất cứ một đề nghị cụ thể nào liên quan đến việc tìm giải pháp thay thế cho điều khoản backstop.
Phía châu Âu cũng không hề hy vọng Nghị viện Anh sẽ phê chuẩn Thoả thuận Brexit mà chính các nghị sĩ Anh đã 3 lần bác bỏ. Vì thế, trong thông báo mới gửi đi cho các nước thành viên, Uỷ ban châu Âu khuyến cáo các nước này là nên ưu tiên chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thoả thuận vào ngày 31/10 hơn là chờ đợi sẽ có một sự gia hạn nào nữa về Brexit được phía Anh đưa ra và được EU chấp thuận.
Nhằm chuẩn bị cho các tác động của Brexit không thoả thuận, phía châu Âu đã chuẩn bị một quỹ trị giá 600 triệu euro vốn dành để trợ giúp các nước thành viên gặp thảm hoạ thiên nhiên, cùng một quỹ khác 180 triệu euro vốn để giảm các tác động của toàn cầu hoá. Tổng số tiền này sẽ được châu Âu huy động để bù đắp một phần thiệt hại trước mắt cho các nước thành viên một khi Anh rút khỏi EU mà không có thoả thuận.
Cũng giống như dư luận Anh, dư luận châu Âu đã quá mệt mỏi với Brexit và muốn cuộc khủng hoảng này chấm dứt sớm nhất có thể./.
Nguồn: VOV.VN