Con đường phía trước của nước Anh vẫn còn nhiều chông gai khi London đối mặt với không chỉ sức ép mạnh mẽ đến từ bên trong nội bộ nước Anh mà còn cả với những thế lực ở phía bên kia Eo biển Manche.
Brexit: Gian nan đường rời bến EU của nước Anh. Ảnh: AFP/TTXVN Người dân Anh thường rất tự hào về lịch sử của mình. Giống như một con thuyền, họ đã cùng nhau trải qua những tháng ngày không chỉ có vinh quang mà còn có cả mưa gió, bão bùng trong suốt những thế kỷ qua. Giờ đây, sau khi trải qua nhiều khó khăn, con thuyền ấy lại một lần nữa đứng trước sự thay đổi mang tính quyết định đó là chuẩn bị rời bến, đi xa khỏi mái nhà chung Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, việc 27 thành viên còn lại của EU hồi giữa tháng 12/2017 đã đồng ý “bật đèn xanh” cho giai đoạn đàm phán thứ 2 của Brexit đã phần nào giúp cho Chính phủ của Thủ tướng Theresa May nhẹ lòng hơn. Hơn ai hết, bà Theresa May và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về Brexit của Anh là David Davis mong muốn các cuộc đàm phán trở nên thuận lợi bởi vì tương lai chính trị của họ phụ thuộc hoàn toàn vào việc này.
Tuy nhiên, nếu ví nước Anh như một con thuyền thì giai đoạn đàm phán thứ 2 về Brexit sẽ là một vùng biển không lặng sóng mà con thuyền ấy sắp phải đối mặt trên đường ra khơi, và có lẽ là sau khi trải qua một năm với nhiều sóng gió, con thuyền Anh lại tiếp tục đứng trước một tương lai còn nhiều bất định.
“CETA +” hay “EEA -”?
Trong cuộc họp thượng đỉnh EU cuối cùng vào giữa tháng 12/2017, 27 nước thành viên còn lại của mái nhà chung đã đưa ra một văn bản hướng dẫn, trong đó sử dụng ngôn từ mạnh mẽ yêu cầu tất cả các cam kết trong giai đoạn đầu tiên phải được tôn trọng một cách đầy đủ và được chuyển hóa thành các điều khoản pháp luật nhanh nhất có thể.
Ngoài ra, văn bản hướng dẫn cũng cho phép nước Anh tiếp tục ở lại trong Liên minh thuế quan và thị trường chung châu Âu với 4 quyền tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động trong suốt quá trình chuyển đổi. Điều này có nghĩa là người nhập cư vẫn tiếp tục được phép ra vào biên giới Anh.
Đến ngày 30/3/2019, nước Anh sẽ chính thức trở thành “người ngoài” EU và không còn là đại diện của các cơ quan, văn phòng của EU nữa. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, nước này vẫn còn phải tuân thủ cơ chế thực thi pháp lý, ngân sách, giám sát, tư pháp và thi hành luật của liên minh, bao gồm việc công nhận thẩm quyền của Tòa án Tư pháp EU trong giai đoạn chuyển đổi.
Rõ ràng, trong cuộc “ly hôn” tốn nhiều giấy mực của báo chí, nước Anh vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó có những vấn đề chưa được dàn xếp ổn thỏa trong giai đoạn đàm phán đầu tiên, liên quan đến các mặt hàng được lưu hành trên thị trường trước thời điểm Brexit và việc quản trị Hiệp định rời khỏi Liên minh giữa Anh và EU như thế nào.
Về mối quan hệ trong tương lai với “xứ sở sương mù”, EU đã đưa ra hai luận định. Đó là điều này sẽ chỉ được hoàn tất và kết luận khi nước Anh chính thức trở thành nước thứ ba, và EU yêu cầu các hướng dẫn bổ sung để tham gia vào các cuộc thảo luận sơ bộ và chuyên sâu liên quan đến việc tìm hiểu về các “khuôn khổ”.
Sự khác biệt trong cách thức đàm phán giữa EU và nước Anh trong giai đoạn đàm phán thứ 2 rất rõ ràng. Trong khi nước Anh muốn khởi động đàm phán về mối quan hệ trong tương lai với EU thì Liên minh lại chỉ đồng ý bắt đầu đàm phán từ những “khuôn khổ”.
Thêm vào đó, nội dung đàm phán về mối quan hệ trong tương lai cũng sẽ là vấn đề có thể khiến nước Anh thất vọng. Các phương tiện truyền thông tập trung sự chú ý vào 2 mô hình quan hệ. Một là theo mô hình Canada của Hiệp định Thương mại tự do EU-Canada (CETA), hai là theo mô hình của Na Uy trong Hiệp định Kinh tế Châu Âu (EEA).
Phó Giám đốc Maria Demertzis thuộc cơ quan nghiên cứu Bruegel ở Brussels cho biết mô hình đầu tiên CETA có thể khiến cho người Anh thất vọng, chủ yếu bởi vì mô hình này chỉ cho phép tiếp cận một cách hạn chế đối với các dịch vụ mà không phải là một “tấm hộ chiếu” đối với mảng tài chính – một mảng quan trọng của nước Anh.
Trong khi đó, mô hình EEA, mặc dù có thể đáp ứng những yêu cầu mà nước Anh đang tìm kiếm trong thương mại, trong đó có “tấm vé” về tự do tài chính, song EU lại yêu cầu việc tiếp cận một thị trường chung châu Âu (điều mà EEA đang cung cấp) có nghĩa là sự tự do dịch chuyển sẽ được áp dụng với không chỉ hàng hóa, dịch vụ và dòng vốn, mà còn với cả người lao động – điều mà nước Anh không sẵn sàng chấp nhận.
Nói theo một cách khác, nước Anh đang tìm kiếm một hiệp định “CETA +” (với việc bổ sung tự do trao đổi các dịch vụ), hay một hiệp định “EEA -” (ngoại trừ việc tự do dịch chuyển dòng người lao động). Và tất nhiên, trái ngược lại với nước Anh, trong vấn đề này, EU đang hướng đến hoặc là CETA, hoặc là EEA mà không có dấu “+” hay “-”.
Một kịch bản đảo chiều?
Có thể nói, giai đoạn đàm phán thứ hai giữa Anh quốc và EU sẽ chủ yếu xoay quanh việc liệu hai bên có chấp nhận thỏa hiệp hay không, và ở mức giá nào. Chắc chắn các cuộc đàm phán sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2018.
Cựu lãnh đạo của Đảng Dân chủ tự do Nick Clegg, người ủng hộ kịch bản nước Anh ở lại EU (hay còn gọi là Remainders), đã từng viết trong cuốn sách có tên “Làm thế nào để dừng Brexit” (How to Stop Brexit) rằng nếu các cuộc đàm phán không thể đạt đột phá thì Brexit có thể bị dừng lại.
Cũng trong cuốn sách này, Nick Clegg thậm chí còn trích dẫn câu nói của luật sư Lord Kerr, người đã soạn thảo ra Điều 50 Hiệp ước Lisbon, rằng Brexit không phải là “không thể hủy bỏ”. Theo tác giả này, đến cuối cùng, trong EU, tất cả đều mang tính chính trị. Luật châu Âu có thói quen “nhường đường” ở những nơi mà có yếu tố chính trị xen vào và hơn hết, “Quốc hội có quyền ngăn chặn cách tiếp cận của Chính phủ đối với Brexit”.
Vì thế, ông kêu gọi những người muốn Anh ở lại EU cần giành lấy sự ủng hộ của các nghị sĩ thông qua việc thăm hỏi họ thường xuyên hơn, tham dự các cuộc họp bên lề địa phương và các hội nghị đảng. Hay nói cách khác, hãy để cho các nghị sĩ hiểu được mong muốn của họ.
Theo tác giả này, các nền chính trị hiện nay đang phần nhiều bị chi phối bởi một khái niệm gọi là hệ tư tưởng, mà trong đó không phản ánh mong muốn của xã hội rộng lớn hơn. Vậy tại sao những định kiến và cá nhân đó lại có thể trở thành động lực định hình cho tương lai của cả một quốc gia? Tất cả mọi người đều có quyền được bày tỏ quan điểm, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình Brexit đang thay đổi và những lời hứa trước đây vẫn chưa được thực hiện.
Nguồn: http://bnews.vn/