Mùa hè năm 2016, người Anh đã bỏ phiếu đồng ý rời khỏi Liên minh Châu Âu và sau đó 3 năm, Brexit sẽ chính thức diễn ra. Nhưng ngay từ năm nay, Brexit đã bắt đầu gây ra nhiều phiền toái.
Giá hàng tiêu dùng tăng vọt vào năm 2017, tình hình kinh doanh sụt giảm, tốc độ tăng trưởng chậm lại và thị trường bất động sản bị đình trệ là những dấu hiệu mà ai cũng có thể nhận thấy.
Kallum Pickering, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Berenberg, cho biết, nền kinh tế Anh lẽ ra phải tăng trưởng cùng với tốc độ mở rộng của nền kinh tế toàn cầu, nhưng thay vào đó, Anh đã bỏ lỡ mất ‘cuộc vui’, với tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Tình trạng bất ổn trôi qua chậm chạp, bắt nguồn từ cuộc bỏ phiếu rời EU vào tháng 6 năm 2016 đã khiến giá trị đồng bảng giảm mạnh.
“Người tiêu dùng vẫn tiếp tục gia tăng chi tiêu sau cuộc bỏ phiếu Brexit, bởi vì lúc đầu, dường như không có gì thay đổi”, ông Howard Archer, cố vấn kinh tế của công ty kiểm toán Ernst & Young cho biết.
Nhưng sự mất giá của đồng bảng đã nhanh chóng khiến giá cả tăng cao đối với các mặt hàng nhập khẩu. Lạm phát tại Anh đã tăng từ 1,8% ở thời điểm đầu năm lên 3,1% vào tháng 11.
“Lạm phát thực sự bắt đầu tăng lên vào cuối năm ngoái và gây ra áp lực trong chi tiêu tiêu dùng trong năm nay”, ông Archer nói.
Trong khi đó, tiền lương chỉ tăng bình quân 2,2% vào năm 2017. Sự siết chặt này làm cho hầu bao của người tiêu dùng eo hẹp hơn. Chi tiêu tại các cửa hàng truyền thống đã giảm 3,5% so với năm trước vào tháng 11.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và mua bán ô tô, lượng ô tô sản xuất tại Anh đã giảm 4,6% vào tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số bán ô tô mới, bị ảnh hưởng bởi các quy định về cấm dầu diesel, đã giảm 11,2% trong tháng 11.
Tỷ lệ thất nghiệp mặc dù vẫn còn rất thấp, nhưng thị trường lao động cũng bắt đầu có dấu hiệu ảm đạm. Khoảng 65.000 việc làm ngành bán lẻ đã bị mất kể từ cuộc trưng cầu Brexit.
Văn phòng trách nhiệm ngân sách đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2018 xuống chỉ còn 1,4%.
Quỹ Resolution Foundation nhận định thu nhập trung bình, được điều chỉnh theo lạm phát, có khả năng sẽ thấp hơn mức mà người dân Anh có trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cho đến năm 2025.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU đã chuyển sang giai đoạn hai, bao gồm các điều khoản về thương mại trong tương lai giữa hai bên.
Họ cũng sẽ đàm phán về một khoảng hai năm để các doanh nghiệp Anh có thêm thời gian để thích ứng với ‘cuộc sống’ bên ngoài khối.
Các nhóm ngành công nghiệp nói rằng họ cần sự rõ ràng càng sớm càng tốt. Nhưng không ai có thể dám chắc rằng các cuộc đàm phán sẽ thành công.
Ông Pickering nhận định rủi ro lớn nhất vẫn là Anh sẽ lựa chọn ‘Brexit cứng’ và do đó, Anh sẽ có ít cơ hội để tiếp cận thị trường EU hơn.
Theo CNN Money