Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit, kéo dài sự không chắc chắn cho kinh tế Anh và sự ổn định của EU.
Nền kinh tế Anh đang trải qua nghịch lý. Tài chính công đang trong tình trạng rất tốt và việc làm đang ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, đầu tư kinh doanh đình trệ và tính bất định về chính trị chưa bao giờ lớn như bây giờ. Việc Công đảng chuyển sang ủng hộ tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit đã tạo thêm một bước ngoặt nữa cho “vở kịch Brexit”, yếu tố quyết định tình hình chính trị và kinh tế Anh.
Những số liệu tích cực mới nhất cho thấy thặng dư tài chính công tính theo tháng đạt mức kỷ lục trong tháng 1/2019. Một điểm sáng khác là sự bùng nổ của thị trường việc làm. Tỷ lệ việc làm ở Anh đang ở mức cao kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp nhất trong hơn 40 năm qua. Doanh thu thuế vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự bất định liên quan đến Brexit. Các khoản thuế giá trị gia tăng vẫn lành mạnh, cho thấy chi tiêu tiêu dùng vẫn tốt trong năm qua.
Môi trường kinh doanh chịu tổn thất nặng nề từ sự bế tắc của Brexit
Tăng trưởng kinh tế tổng thể trong năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012. Các ngành kinh tế của Anh cho biết tình trạng bất định của Brexit đang làm tê liệt khả năng đầu tư và lên kế hoạch kinh doanh.
Các ngành sản xuất chế tạo đang phải gánh chịu hậu quả. Kim ngạch xuất khẩu tăng chậm hơn so với nhu cầu nội địa vốn đang yếu. Những số liệu của Ngân hàng Trung ương Anh về việc cho vay để kinh doanh dự kiến được công bố tuần này sẽ được theo dõi sát sao để phát hiện các dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp có đủ vốn hoạt động hay không. Những số liệu trong tháng trước cho thấy rằng các nhà sản xuất đang dự trữ nguồn vật liệu đầu vào với tốc độ nhanh nhất.
Anh đề nghị gia hạn Brexit
Ngày 27/2, Thủ tướng Theresa May đã yêu cầu các Nhà lập pháp Anh phê duyệt một kế hoạch 3 bước có thể cho bà nhiều thời gian hơn để cố gắng đàm phán lại Thỏa thuận Brexit với EU. Theo kế hoạch này, nếu vẫn không đạt được Thỏa thuận Brexit mà các Thành viên Nghị viện Anh sẽ đồng ý tại cuộc bỏ phiếu ngày 12/3 tới đây, Thủ tướng May sẽ nhanh chóng kêu gọi bỏ phiếu tiếp về những hệ lụy sẽ đến – bao gồm cả việc Anh rời khỏi khối mà không có bất kỳ thỏa thuận nào và hoãn Brexit. Bà May đã nhấn mạnh rằng bất kỳ sự “gia hạn” nào cũng sẽ ngắn, “không vượt quá cuối tháng 6”.
Ngày 27/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết EU sẽ chỉ cấp cho Anh một phần “gia hạn” cho các cuộc đàm phán Brexit nếu có lý do rõ ràng. Thủ tướng Đức Merkel lặp lại quan điểm của ông Macron, nhưng ôn hòa hơn, nói: “Nếu Anh cần thêm một chút thời gian, chúng tôi sẽ không nói “không” nhưng chúng tôi muốn có một Brexit có trật tự”.
Theo quy định, bất kỳ gia hạn nào cho thời hạn đàm phán Điều 50 – quy định của Hiệp ước Lisbon về việc rút khỏi Liên minh châu Âu – sẽ phải được yêu cầu bởi Anh và chỉ có thể được thực hiện với thỏa thuận nhất trí của EU-27. Hạ viện Anh ngày 28/2 đã bỏ phiếu về đề nghị gia hạn của Thủ tướng Anh.
Trước đó, Thủ tướng May đã bác bỏ các đề xuất cho một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit, sau khi Công đảng đối lập tuyên bố sẽ ủng hộ nếu Quốc hội không đồng ý thỏa thuận rút lui.
Kể từ khi các Nghị sỹ từ chối bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận Brexit vào tháng trước, Thủ tướng May đang tìm cách giải quyết những lo ngại của họ, nhất là liên quan đến biên giới với Ireland; tiến hành các cuộc gặp với người đứng đầu Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị Thượng đỉnh hai ngày ở Sharm el-Sheikh và cũng sẽ trở lại Brussels vào ngày 26/2.
Nhưng các chính trị gia đối lập và các Nghị sỹ thân Châu Âu ở London đã phản ứng dữ dội với những gì mà họ tin đây là một chiến lược trì hoãn có chủ ý.
Nghị sỹ Labour Yvette Cooper kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ đề xuất trong nội bộ đảng của bà May trì hoãn Brexit, nói rằng: Làm thế nào các doanh nghiệp, dịch vụ công cộng và gia đình phải lên kế hoạch trong sự hỗn loạn này?
Sự thiếu rõ ràng về Brexit cũng đang ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Nếu tăng trưởng tín dụng một năm trước đây đạt mức cao nhất kể từ năm 2005 thì giờ đây đang bị chậm lại.
Bức tranh hỗn độn thể hiện thế tiến thoái lưỡng nan của Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, người sắp công bố Tuyên bố ngân sách mùa xuân vào ngày 13/3. Ông đã dành khoản thu lớn tiền thuế để chi nhiều hơn cho y tế công cộng. Theo các nhà phân tích, thay vì đưa ra các dự báo có thể sai, ông ta nên có thông điệp rõ ràng: không thể có Brexit cứng.
Từ Madrid, trong một bài phát biểu trước Nghị viện Tây Ban Nha, Thủ tướng Sánchez nói rằng, “Kéo dài sự không chắc chắn bằng cách hoãn thời hạn không phải là một sự thay thế hợp lý cũng như không mong muốn”./.
Nguon: http://toquoc.vn/