Từ giữa năm ngoái, khi chưa có loại vaccine Covid-19 nào được chứng minh hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đã đặt trước hàng chục triệu liều.
Thỏa thuận Mua Vaccine Trước (APA) là những hợp đồng mà các chính phủ, tổ chức quốc tế, công ty tư nhân hoặc công ty bảo hiểm đạt được với các nhà sản xuất vaccine, để mua một lượng vaccine đáng kể ngay cả trước khi chúng được đưa vào sử dụng.
Mục đích của loại thỏa thuận này là khuyến khích các hãng sản xuất một số loại vaccine nhất định mà họ cảm thấy có thể không mang lại đủ lợi nhuận, hoặc thị trường không đủ lớn. Các thỏa thuận giúp hãng dược phẩm yên tâm đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất vaccine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson giơ ngón tay cái sau khi tiêm liều vaccine Covid-19 AstraZeneca đầu tiên tại London hôm 19/3. Ảnh: AP.
Điều khoản của APA khá đa dạng, tùy thuộc vào đàm phán giữa các bên. Trong nhiều trường hợp, khoản thanh toán cho công ty phụ thuộc vào thành công của vaccine, như đối với hầu hết thương vụ mua vaccine Covid-19 của các chính phủ. Nhưng cũng có những khi việc đầu tư không liên quan đến hiệu quả của vaccine, nên nếu vaccine không được phê duyệt, cả nhà tài trợ và hãng sản xuất đều mất tiền.
Một số quốc gia và tổ chức, như Mỹ và Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI), đã đầu tư vào cái gọi là sản xuất vaccine Covid-19 có rủi ro từ rất sớm, có nghĩa là tài trợ cho các hãng vaccine sản xuất hàng loạt dù sản phẩm vẫn trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Do hứng chịu hậu quả nặng nề vì Covid-19, Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, tỏ ra vô cùng quyết liệt nhằm nhanh chóng đạt được các hợp đồng mua vaccine. Tính đến cuối tháng 8/2020, nước này đã bỏ gần 10 tỷ USD để đảm bảo ít nhất 700 triệu liều vaccine Covid-19, bao gồm 1,2 tỷ USD cho 300 triệu liều từ AstraZeneca, 1,5 tỷ USD cho 100 triệu liều từ Moderna, 1,9 tỷ USD cho 100 triệu liều từ Pfizer, 1,6 tỷ USD cho 100 triệu liều từ Novavax và 2,1 tỷ USD cho 100 triệu liều từ Sanofi.
Anh, quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong vì Covid-19 nhất châu Âu, đứng ở vị trí tiếp theo tại thời điểm đó, nhờ đàm phán thành công với một loạt hãng sản xuất vaccine để đảm bảo ít nhất 250 triệu liều, gấp gần 4 lần so với dân số 66 triệu. Nguyên nhân là chưa thể chắc chắn vaccine nào sẽ hiệu quả. Liên minh châu Âu (EU) cũng đồng ý mua ít nhất 300 triệu liều vaccine AstraZeneca, đồng thời đàm phán với một loạt hãng vaccine khác.
Một số quốc gia giàu có khác, như Nhật Bản và Australia, khi đó cũng đã ký các hợp đồng mua trước. Tokyo đảm bảo được 120 triệu liều vaccine Pfizer, trong khi Canberra gật đầu với vaccine AstraZeneca. Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan tài trợ nghiên cứu vaccine Sputnik, đã được phê duyệt từ đầu tháng 8/2020, cũng cho biết một tỷ liều Sputnik đã được đặt trước từ 20 quốc gia.
Kết quả là những nước "chốt đơn" sớm giờ đây đảm bảo đủ vaccine để tiến hành một chiến dịch tiêm chủng thành công, thậm chí "bơi trong vaccine" như Mỹ. Hôm 2/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ đủ vaccine Covid-19 để tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành vào cuối tháng 5.
Nhà Trắng hôm 25/5 thông báo 50% dân số trưởng thành Mỹ đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, tức là hai liều của Moderna hay Pfizer, hoặc một liều cần thiết duy nhất của Johnson & Johnson, ba loại vaccine đã được cấp phép ở Mỹ. Khoảng 50% trong tổng số 332 triệu dân Mỹ cũng đã tiêm ít nhất một liều.
"Đất nước chúng ta sẽ trở thành kho vaccine cho phần còn lại của thế giới", Biden phát biểu hôm 17/5, khi cam kết Mỹ sẽ chia sẻ nhiều vaccine hơn. Ông tuyên bố sẽ cung cấp cho các nước khác 60 triệu liều AstraZeneca, 20 triệu liều Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Họ dự kiến sở hữu nhiều vaccine hơn để chia sẻ trong những tháng tới.
Anh cũng "hái quả ngọt" nhờ đặt cược vào những đơn hàng mua vaccine sớm. Chiến dịch tiêm chủng tại nước này diễn ra vô cùng suôn sẻ, với gần 39,5 triệu người đã tiêm ít nhất một liều vaccine trong tổng số hơn 66,8 triệu dân. Hôm 1/6, Anh không ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 mới nào, lần đầu tiên kể từ ngày 30/7/2020.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hồi tháng 4 khẳng định chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 là cách giúp nước này dần thoát khỏi đại dịch. Trên thực tế, Anh là một trong những nước tiêm chủng nhanh nhất châu Âu và được nhận định đang đi đúng hướng để khống chế đại dịch và dần mở cửa lại nền kinh tế theo kế hoạch.
Tuy nhiên, việc đảm bảo đủ vaccine và tiêm chủng thành công không phải lúc nào cũng mở lối thoát khỏi đại dịch. Ví dụ điển hình là Chile.
Người dân xếp hàng bên ngoài một điểm tiêm chủng Covid-19 tại Santiago, Chile, hôm 28/5. Ảnh: AFP.
Chỉ một tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch đầu năm ngoái, Chile đã bắt đầu đàm phán với các hãng sản xuất vaccine. Đến tháng 5/2020, một nhóm chuyên gia và quan chức đã đệ trình kế hoạch lên Tổng thống Sebastian Pinera.
Chile ký hợp đồng với hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac vào tháng 6/2020, sớm hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia Mỹ Latinh nào khác, giúp đảm bảo nhận hàng sớm ngay khi vaccine Covid-19 của hãng này được cấp phép. Bên cạnh đó, Chile ngay từ đầu còn nhận thức được rằng cần làm việc cùng lúc với những hãng khác nhau.
Tháng 12/2020, Chile nhận được khoảng 21.000 liều vaccine từ Pfizer, tiếp đó là 4 triệu liều từ Sinovac hồi cuối tháng 1. Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris hồi tháng 3 cho biết họ đã đảm bảo được 35 triệu liều vaccine, thậm chí đủ để giúp đỡ các nước khác.
Chiến dịch tiêm chủng đại trà tại Chile bắt đầu từ tháng 2, và gần như ngày nào họ cũng tiêm được hơn 100.000 liều mỗi ngày. Con số này sau đó tăng mạnh, giúp Chile đạt kỷ lục toàn cầu với 1,3 mũi tiêm/100 dân mỗi ngày hôm 10/3, vượt cả Israel. Tháng trước, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Chile đã lên tới 38%, cao hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, thay vì trở thành điểm sáng chống Covid-19 của Mỹ Latinh, đại dịch ở Chile vẫn không thuyên giảm. Hồi đầu tháng 4, nước này liên tục ghi nhận số ca nhiễm trong một ngày cao nhất, hiện ghi nhận tổng cộng gần 1,4 triệu ca nhiễm và hơn 29.000 người chết vì Covid-19.
Chuyên gia y tế cộng đồng Chile Francisco Alvarez đánh giá việc nới lỏng các hạn chế Covid-19 vào những ngày lễ cuối năm là nguyên nhân. Theo ông, chiến dịch tiêm chủng thành công khiến người dân hiểu lầm rằng nguy cơ lây nhiễm virus có lẽ đã hết và các hạn chế đã được nới lỏng.
Theo các chuyên gia, những nơi như Chile là ví dụ đáng sợ về chuyện có thể xảy ra nếu mọi thứ nới lỏng quá nhanh, trong khi chỉ dựa vào vaccine để chống dịch.
Ánh Ngọc (Theo DW, AP, CNN)
Nguồn: vnexpress.net