Chính phủ nhiều nước tại châu Âu trước sức ép phải phong tỏa, khi số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh và được dự đoán còn nghiêm trọng hơn trong những ngày tới.
Sau khi Hà Lan chính thức phong tỏa toàn bộ đất nước trong dịp Giáng sinh để ngăn chặn biến thể Omicron, chính phủ nhiều nước khác tại châu Âu cũng đang trước sức ép phải hành động tương tự, khi số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh và được dự đoán còn nghiêm trọng hơn trong những ngày tới.
Bắt đầu từ Chủ nhật, 19/12, toàn bộ đất nước Hà Lan lại phải đặt dưới lệnh phong tỏa trong vòng 4 tuần, với việc đóng cửa toàn bộ các cửa hàng không thiết yếu và người dân bị hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những người khác không cùng gia đình. Đây là biện pháp mà Chính phủ Hà Lan cho rằng bắt buộc phải thực hiện, để hạn chế tối đa các thiệt hại của làn sóng dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra.
Đây cũng là chiến lược mà hầu như tất cả các chuyên gia y tế tại Anh hiện nay đều đang kiến nghị và gây sức ép buộc Chính phủ Anh thực hiện, khi Vương quốc Anh đang là nơi chứng kiến số ca nhiễm biến thể Omicron bùng phát cao nhất châu Âu.
Trong ngày 19/12, nước Anh ghi nhận thêm gần 83.000 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó, hơn 12.000 ca nhiễm biến thể Omicron. Theo số liệu chính thức, hiện Vương quốc Anh đã có trên 37.000 ca nhiễm biến thể Omicron nhưng giới chuyên gia y tế cho rằng, con số này có thể cao hơn gấp nhiều lần do đa số các ca nhiễm hiện nay chưa được giải trình tự gen để xác định chính xác biến thể.
Người dân Anh xếp hàng đi tiêm vaccine khi biến thể Omicron bùng phát. (Ảnh: The Guardian)
Ngoài ra, đa số các mô hình phân tích do các chuyên gia y tế Anh thực hiện đều cho thấy, với tốc độ nhân đôi số ca nhiễm biến thể Omicron sau chưa đến 2 ngày, nước Anh sẽ có 300.000 – 400.000 ca nhiễm Covid-19 và có thể có tới 3.000 người phải nhập viện mỗi ngày trong tuần này.
Trước tình hình này, phát biểu trên truyền thông Anh trong ngày 19/12, Bộ trưởng Y tế Anh, ông Sajid Javid cho biết, Chính phủ Anh không loại bỏ khả năng sẽ áp đặt thêm các biện pháp hạn chế khắt khe hơn trước thềm Giáng sinh.
“Hiện có những phân tích rất nghiêm túc về biến thể Omicron và chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ. Nhưng có những chênh lệch về số liệu và các nhà khoa học cũng thừa nhận điều đó, như là về độc lực của biến thể Omicron hay về tỷ lệ phải nhập viện. Nhưng chúng tôi đang theo dõi kỹ các số liệu cũng như các yếu tố khác để quyết định liệu có cần thêm các biện pháp khác hay không”, ông Sajid Javid cho biết thêm.
Khác với Anh, Chính phủ Đức trong ngày 19/12 đã ra thông báo sẽ không phong tỏa dịp Giáng sinh.
Bộ trưởng Y tế Đức, Karl Lauterbach thừa nhận làn sóng dịch Covid-19 thứ 5 do biến thể Omicron gây ra là điều không thể ngăn chặn vào thời điểm này nhưng nước Đức vẫn sẽ đặt cược vào chiến dịch tiêm vaccine, trong đó có việc sớm ra quy định tiêm vaccine bắt buộc với đa số dân chúng, bắt đầu từ đầu năm 2022.
Ngoài ra, dù không dự tính phong tỏa nhưng Bộ trưởng Y tế Đức Lauterbach cũng cho rằng, chỉ riêng vaccine sẽ không đủ bảo vệ người dân khỏi biến thể Omicron nên Chính phủ Đức cũng sẽ công bố thêm một số biện pháp hạn chế khác trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới, trong đó, chủ yếu là hạn chế số lượng người tiếp xúc giữa các hộ gia đình. Đối với việc ngăn biến thể Omicron xâm nhập từ bên ngoài, Đức cũng đã ra lệnh hạn chế du khách đến từ Anh, vùng dịch Omicron lớn nhất châu Âu hiện nay.
Tại Pháp, dù đã loại bỏ phương án phong tỏa hay áp lệnh giới nghiêm trong dịp cuối năm nhưng chính quyền Pháp cũng đã ra lệnh hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người như bắn pháo hoa và lễ đón năm mới trên đại lộ Champs-Élysées. Dự kiến, đầu tuần này, Chính phủ Pháp sẽ công bố tiếp khuyến cáo về việc hạn chế số người dự các bữa tiệc cuối năm trong các gia đình.
Tại một số nước châu Âu khác, một loạt biện pháp hạn chế cũng được công bố. Đan Mạch sẽ đóng cửa rạp hát, rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc trong vòng 1 tháng. Cộng hòa Ireland sẽ đóng cửa các nhà hàng và quán bar kể từ 20h hàng ngày./.
Quang Dũng
Nguồn: VOV-Paris