Những cánh rừng trơ trụi, những khuôn mặt thất thần của người dân vì hoa màu bị mất sạch do cháy rừng là cảnh tượng đang được chứng kiến tại nhiều nước châu Âu.
Các chuyên gia cảnh báo, các đợt nắng nóng kỷ lục và cháy rừng nghiêm trọng là dấu hiệu rõ nét của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan sẽ còn tiếp tục, thậm chí với cường độ và tần suất ngày một tồi tệ hơn.
Những đợt nắng nóng kỷ lục và các đám cháy dữ dội suốt nửa tháng qua đã tạo ra một vành đai lửa dọc theo các cánh rừng phía Nam:
Lính cứu hỏa và các tình nguyện viên đang nỗ lực dập tắt đám cháy rừng ở làng Markati, gần thủ đô Athens của Hy Lạp, ngày 16/8/2021. Ảnh: Reuters
Tại Hy Lạp, đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong vòng 30 năm đã gợi lại ký ức về một mùa hỏa hoạn khủng khiếp năm 1987 cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người chỉ riêng ở Hy Lạp.
Chính quyền Hy Lạp đã phải huy động hàng trăm lính cứu hỏa, cùng nhiều máy bay cứu hỏa để ngăn chặn các đám cháy rừng mới bùng phát quanh thủ đô Athens, khiến người dân tại nhiều ngôi làng phải sơ tán khẩn cấp. Những vụ cháy rừng mới xảy ra sau khi có khoảng 600 đám cháy rừng bùng phát trên khắp Hy Lạp những tuần qua trong bối cảnh nắng nóng gay gắt kéo dài. Hỏa hoạn trên diện tích hơn 1.000 km2 đã thiêu rụi nhiều nhà cửa, tài sản, rừng thông, gia súc và cả động vật hoang dã.
“Đây là một thảm kịch không thể diễn tả được. Sẽ còn tồi tệ hơn nếu những đứa trẻ ở đây, các cháu của tôi. Nhưng rất may, không ai ở đây và mạng sống con người không bị mất”, một người dân chia sẻ.
Tại miền Nam nước Pháp, vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong mùa hè 2021 đã khiến một người thiệt mạng và 22 người bị thương. Ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 7.000 héc-ta rừng ở vùng Var, vốn nổi tiếng với những cánh rừng, vườn nho và hệ động vật phong phú, kể từ khi bùng phát ở khu bảo tồn thiên nhiên Plaine des Maures hồi đầu tuần này.
Theo ông Thomas Dombry, Thị trưởng La Garde-Freinet, vùng này chưa bao giờ chứng kiến cháy rừng lan nhanh như vậy, với tốc độ lửa lan ước tính nhanh gấp 3-4 lần thông thường.
Không chỉ Hy Lạp hay Pháp, các đám cháy rừng lớn thời gian qua liên tục hoành hành tại Italy, Tây Ban Nha hay mới đây nhất Bồ Đào Nha. Hàng chục nghìn vụ cháy đã bùng phát sau nhiều ngày nắng nóng liên tiếp hơn 40 độ C. Dù đây là sự cố thường thấy ở vùng lòng chảo Địa Trung Hải vốn có thời tiết khô nóng vào mỗi mùa hè, nhưng các chuyên gia khí hậu cảnh báo các vụ cháy rừng sẽ xảy ra thường xuyên hơn do tình trạng ấm lên toàn cầu.
Thực tế, trong những năm gần đây, ảnh hưởng của cháy rừng đối với con người và thiên nhiên đã gia tăng trên khắp châu Âu. Bất chấp những nỗ lực giảm thiểu tác động, song hơn 400.000 héc-ta diện tích rừng tự nhiên ở Liên minh châu Âu đã bị thiêu rụi vào tháng 10/2020, cao gấp đôi mức trung bình trong 12 năm qua.
Hiện chưa thể thống kê được chính xác những thiệt hại mà các vụ cháy rừng năm nay gây ra. Song một điều chắc chắn là năm sau luôn cao hơn năm trước và liên tục những kỷ lục buồn được xác nhận.
Phó Chủ tịch điều hành của chương trình Thỏa thuận Xanh châu Âu Frans Timmermans thừa nhận, con người đã gây áp lực rất lớn lên các khu rừng trên thế giới. Với nguy cơ cháy rừng ngày càng trầm trọng hơn do nhiệt độ tăng và hạn hán ngày càng gia tăng, việc bảo vệ rừng mạnh mẽ hơn, ngăn chặn tốt hơn và ứng phó nhanh hơn là rất quan trọng./.