Chỉ vì một giọt nước rơi xuống làm nhòe mực in trên hộ chiếu, hai du khách tốn kém thêm hàng trăm triệu đồng.
Mới đây, ông bà Richard và Ann Lane đến từ Lincolnshire, Anh, đã kể lại câu chuyện của mình như một lời chia sẻ, nhắc nhở để những người khác rút kinh nghiệm.
Cặp đôi người Anh “khốn khổ” vì sự cố hộ chiếu
Sau khi về hưu, ông bà Richard lên kế hoạch du lịch khắp châu Á và Australia đồng thời kết hợp thăm con cháu.
Bắt đầu kỳ nghỉ từ tháng 12/2018, hai du khách Anh đã tới thăm Dubai (Ấn Độ), Malaysia và Australia mà không gặp phải trở ngại nào.
Vào tháng 1/2019, họ đi từ sân bay Brisbane, Australia để bay tới Bali, Indonesia. Tuy nhiên, tại đây ông Richard bị giữ lại vì giấy tờ có vấn đề. Ở góc phải trên cuốn hộ chiếu của ông bị một giọt nước rơi xuống làm nhòe mực in. Do vậy, hãng bay đã giữ ông lại, chỉ một mình bà Ann được xuất cảnh.
Hộ chiếu của ông Richard bị nhòe nước nên không được xuất cảnh
“Khi tới sân bay Brisbane, hộ chiếu của tôi không quét được nên bị giữ lại, còn vợ tôi thì không sao”, ông Richard cho biết.
Cũng theo du khách 76 tuổi này, nhân viên hãng bay giải thích, nếu để ông tới Bali với giấy tờ không hợp lệ, họ sẽ bị phạt nặng.
Sau đó, cặp đôi đành hủy chuyến đi tới Bali, mà đặt chuyến mới tới Singapore rồi dự kiến đến Malaysia để thăm con gái. Nhưng tại Singapore, cuốn hộ chiếu của ông Richard tiếp tục không được chấp nhận.
“Họ nói hộ chiếu của tôi không hợp lệ, không thể đi bất cứ đâu. Tôi tức giận và tuyệt vọng. Kỳ nghỉ trong mơ bị phá hủy trong tích tắc”, ông Richard giãi bày.
Cuối cùng, vị khách 76 tuổi này nhận được giấy thông hành đặc biệt để tới Đại sứ quán Anh ở Singapore làm lại hộ chiếu. Vì trục trặc này, hai vợ chồng ông tiếp tục hủy chuyến đi tới Malaysia, buộc ở lại Singapore để làm lại giấy tờ.
Do thời gian lưu trú ở lại đúng dịp năm mới nên mọi chi phí tại “quốc đảo sư tử” đều rất đắt đỏ. Nhiều khách sạn kín phòng nên họ buộc phải thuê một khách sạn sang để ở lại, đợi ngày có hộ chiếu mới. Tổng tiền cho những khoản thuê khách sạn và đi lại lên tới 7500 bảng Anh (225 triệu đồng).
Nên kiểm tra kỹ hộ chiếu trước mỗi chuyến đi
Tệ hơn nữa, công ty bảo hiểm du lịch từ chối chi trả những phí phát sinh ngoài. Họ cho biết chỉ đền bù trong trường hợp hộ chiếu của khách bị mất hoặc bị đánh cắp.
Sau đó, hãng ngỏ ý đền bù 50 bảng Anh (1,5 triệu đồng) như một “cử chỉ thiện chí”, nhưng ông Richard đã từ chối thẳng thừng vì cho rằng “lời đề nghị như một sự xúc phạm”.
Chỉ cần chút vấn đề trên hộ chiếu có thể hủy hoại cả chuyến du lịch của bạn
Qua câu chuyện của mình, ông Richard hi vọng sẽ là bài học để những du khách khác nên thận trọng và kiểm tra kỹ hộ chiếu trước khi đi nước ngoài. Được biết, đây không phải là vị khách đầu tiên bị từ chối tới Bali vì hộ chiếu gặp trục trặc.
(Theo TS/ News/ Dân trí)