Chiến lược của “bà đầm thép”

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 8-1 đã bắt đầu tiến hành cải tổ chính phủ và đảng Bảo thủ cầm quyền theo cam kết đã nêu trước đó. Đây là lần thứ ba bà May sắp xếp lại bộ máy chính phủ kể từ khi nhậm chức tháng 6-2017.

426 Content 592
Chính phủ mới của Anh. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Theresa May đã bổ nhiệm Bộ trưởng Nhập cư Anh Brandon Lewis làm Chủ tịch đảng Bảo thủ và nghị sĩ James Cleverly làm Phó Chủ tịch đảng. Hai nhà lãnh đạo đảng mới đều có quan điểm ủng hộ nước Anh ở lại Liên hiệp châu Âu (EU) trước khi nước này tiến hành cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân hồi năm 2016 về việc nước Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tư pháp David Lidington được luân chuyển làm Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ. Những gương mặt mới trong đợt cải tổ này còn có ông Sajid Javid trở thành tân Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương; ông Matt Hancock là Bộ trưởng Văn hóa và bà Karen Bradley làm Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề Bắc Ireland. Những người đứng đầu các bộ trọng yếu như Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Phụ trách Brexit, Bộ trưởng Tài chính… vẫn được giữ nguyên.

Ông Brandon Lewis, 46 tuổi, là luật sư và là nghị sĩ đảng Bảo thủ vùng Great Yarmouth từ năm 2010 đến nay. Ông đã giữ chức bộ trưởng từ năm 2012. Trong trọng trách mới, ông đứng trước yêu cầu phải lấy lại tín nhiệm cho đảng Bảo thủ khi cử tri đang nghiêng dần sự ủng hộ về phía Công đảng đối lập, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Brandon Lewis được xem là người có quan điểm tiến bộ và gần gũi với bà May hơn người tiền nhiệm là ông Patrick McLoughlin. Ông Patrick McLoughlin là một trong số ít thành viên Bảo thủ từng phục vụ trong chính phủ thời Thủ tướng Margaret Thatcher những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên, một số thành viên đảng lại cho rằng quan điểm cứng nhắc của cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ McLoughlin đã khiến đảng này mất ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6-2017. Dù đối mặt cảnh báo không nên sa thải những chính khách giàu kinh nghiệm như ông McLoughlin, song quyết định cuối cùng cho thấy “bà đầm thép” Theresa May mong muốn cải tổ mạnh mẽ từ trong đảng bằng việc thay thế các nhân tố trẻ hơn.

Mong muốn này xuất phát từ những chia rẽ sâu sắc phát sinh trong tiến trình đàm phán Brexit giữa các thành viên đảng Bảo thủ, trong đó có nhiều người không đồng tình với kết quả các vòng đàm phán giữa đại diện Chính phủ Anh với EU. Thậm chí, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao EU cuối năm ngoái, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu chấp thuận một quy định yêu cầu việc quyết định các vấn đề hệ trọng liên quan Brexit phải đưa ra trước Quốc hội xem xét. Động thái này vô hình trung tạo thêm rào cản gây khó khăn hơn cho Chính phủ của Thủ tướng Theresa May mỗi khi muốn thông qua một quyết sách mới.

Quyết tâm cải tổ chính phủ của Thủ tướng May khởi động bằng việc bà đã yêu cầu Phó Thủ tướng Damian Green, một trong những người thân tín của bà, phải từ chức hồi tháng 12-2017 do liên quan nghi vấn nói dối về các hình ảnh khiêu dâm tìm thấy trong máy tính phòng làm việc của ông này. Những động thái cải tổ bộ máy hiện nay được xem là chiến lược của bà May nhằm lập lại sự ổn định và thống nhất trong chính phủ.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng, Thủ tướng Anh đang đối mặt sự bất đồng trong đảng Bảo thủ ở lần cải tổ chính phủ đầu năm mới. Trước ngày thông báo cải tổ chính phủ, Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland là ông James Brokenshire đã bất ngờ tuyên bố từ chức do sức khỏe không tốt vì vừa trải qua một cơn phẫu thuật phổi. Cũng trong ngày 8-1, Bộ trưởng Giáo dục Justine Greening đã nộp đơn xin từ chức sau khi từ chối nhận vị trí mới ở Bộ Quản lý trợ cấp xã hội và lương hưu.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán tương lai giữa Anh và EU sau khi nước này dự kiến rời EU vào năm 2019 sẽ còn nhiều thách thức, việc xây dựng một chính phủ ổn định đang là nhiệm vụ đầy khó khăn đối với Thủ tướng Theresa May.

Nguồn: nhandan.com.vn

Bài liên quan